Mục lục
Giữ vững niềm tin, niềm tin mãnh liệt, niềm tin son sắt,…Đó là những cụm từ về niềm tin mà chúng ta thường xuyên nghe thấy. Vậy định nghĩa niềm tin là gì? Tại sao mọi người lại luôn nói “chỉ cần có niềm tin sẽ có kết quả” để khuyến khích và động viên ai đó khi gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống? Tất cả câu trả lời sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm niềm tin là gì?
“Niềm tin là gì” là chủ đề chưa bao giờ hết hot trong nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Chẳng hạn trong ngữ cảnh tôn giáo, người ta có thể định nghĩa niềm tin là sự tin tưởng vào Chúa hoặc vào các học thuyết hay giáo lý của tôn giáo.
Trong khi đó, các nhà triết học thời xưa lại định nghĩa niềm tin là thái độ của con người về thế giới và niềm tin này có thể đúng hoặc sai. Một minh chứng thực tế cho thấy niềm tin bị sai là quan niệm trái đất dạng mặt phẳng, và mãi cho đến khi Colombo tìm ra châu Mỹ thì quan niệm này mới được bác bỏ.
Như vậy chung quy lại, chúng ta rút ra khái niệm niềm tin là cách mà chúng ta tin tưởng vào một điều gì đó.
Niềm tin chỉ đơn giản là xuất phát từ quan điểm cá nhân của chúng ta và cho rằng điều đó hoàn toàn đúng đắn. Bởi vậy niềm tin được chia thành 2 loại là niềm tin tích cực và niềm tin tiêu cực. Ngoài ra, tâm lý học hiện đại còn cho ra đời thêm một khái niệm mới về niềm tin nữa, đó là niềm tin giới hạn.
1.1. Niềm tin tích cực
- Tôi có thể làm được bất cứ điều gì tôi muốn làm;
- Những nỗ lực ngày hôm nay của tôi có thể làm cho ngày mai tốt hơn;
- Chỉ cần tôi kiên trì, mọi khó khăn sẽ được đền đáp;
- Những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi;
- Những người hay làm điều thiện chắc chắn sẽ được ông trời đền đáp.
Đó là một vài dẫn chứng về niềm tin tích cực. Nó là động lực thúc đẩy bạn nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu và dự định của mình. Niềm tin tích cực cũng giống như kim chỉ nam giúp bạn định hướng vấn đề một cách đúng đắn, tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng khi gặp khó khăn.
Người có niềm tin tích cực là những người luôn thử thách bản thân để làm cho mọi thứ tốt hơn và cố gắng tìm ra những điều tốt đẹp trong mọi tình huống.
1.2. Niềm tin tiêu cực
Ngược lại với niềm tin tích cực là niềm tin tiêu cực, chẳng hạn như:
- Tôi làm điều gì cũng đều là sai;
- Tất cả mọi người không có ai yêu thương tôi cả;
- Chắc là tôi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì đâu;
- Không có cách nào để tôi có thể làm được điều đó;
- Cuộc sống chỉ toàn lừa dối, tôi không nên tin tưởng vào ai khác.
Nếu bạn cứ mãi đắm chìm trong những tư tưởng tiêu cực như vậy, về lâu về dài có thể khiến bạn rơi vào bế tắc, cuối cùng là dẫn đến chứng trầm cảm lo âu. Những niềm tin tiêu cực này khi đã ăn sâu vào tâm trí sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân mình càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Để thay đổi suy nghĩ tiêu cực này theo chiều hướng tốt hơn, đầu tiên bạn phải bắt đầu nghĩ nhiều hơn về những niềm tin tiêu cực và từ từ tin tưởng vào nó. Ví dụ, bạn không thể nhảy một phát từ “Tôi không tự tin” sang “Tôi rất tự tin” được, nó phải từ từ.
Hãy bắt đầu với suy nghĩ “Tôi đang dần trở nên tự tin hơn mỗi ngày”, sau đó ghi lại thành tích này vào sổ nhật ký của bạn. Đến khi niềm tin tiêu cực xuất hiện trở lại, bạn có thể tự mình chỉ ra rằng nó không còn đúng nữa, và niềm tin tích cực mới là điều thực sự đúng đắn.
Nếu bạn thay đổi được niềm tin tiêu cực, cuộc đời bạn có thể sẽ bước sang một trang hoàn toàn mới. Bạn sẽ không còn lo lắng và tự ti nữa, mà thay vào đó là sự tự tin vào bản thân và thay đổi luôn cả cách nhìn nhận mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đột nhiên, toàn bộ tâm trí của bạn có thể mở ra và bạn nhận ra có cả một thế giới khác ngoài kia chờ bạn khám phá.
1.3. Niềm tin giới hạn
Niềm tin giới hạn là những suy nghĩ, quan niệm hoặc định kiến sai lầm mà chúng ta tin rằng đó là sự thật. Kết quả là, chúng ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, không dám nắm bắt cơ hội.
Những niềm tin này có thể là về bản thân bạn, về thế giới hoặc về cuộc sống nói chung. Trên thực tế, việc bạn nghĩ nên hay không nên làm điều gì đó chính là nguyên nhân khiến niềm tin bị giới hạn. Niềm tin giới hạn khiến chúng ta như bị nhốt trong một chiếc hộp do chính tâm trí chúng ta đã xây dựng một cách vô thức.
Những niềm tin giới hạn phổ biến nhất của con người là:
- Sợ thành công;
- Sợ thất bại;
- Sợ mình không đủ giỏi để đạt được điều mình muốn;
- Sợ không được yêu thương / không được yêu thương;
- Sợ bị từ chối – điều này khiến bạn tránh xa các mối quan hệ hoặc những người mà mình thích;
- Vô hình có những suy nghĩ tiêu cực về người giàu có. Ví dụ: con của người giàu là những đứa phá gia chi tử, không lo học hành;
- Tôi/chúng tôi không xứng đáng để thành công.
Hầu hết những niềm tin giới hạn này hình thành từ khi chúng ta còn nhỏ dưới sự dạy dỗ của gia đình, giáo viên và bạn bè. Đến khi lớn lên, chúng ta được học hỏi và tiếp thu những quan điểm mới về bản thân và điều này khiến bạn hình thành quan niệm về những gì nên làm và không được phép làm.
2. Nguồn gốc và bản chất của niềm tin
Ngoài việc hiểu rõ niềm tin là gì, nếu bạn biết niềm tin đến từ đâu và bạn hiểu bản chất của nó, chắc chắn bạn có thể hiểu rõ hơn về những quan niệm tiêu cực của chính mình và tìm cách thay đổi nó.
2.1. Nguồn gốc của niềm tin
- Niềm tin xuất phát từ môi trường xung quanh: Nếu được kết giao cùng người thành đạt, bạn sẽ được họ truyền cảm hứng và thôi thúc bản thân học cách kiếm nhiều tiền để trở thành người giống như họ bây giờ. Tuy nhiên nếu bạn kết giao với người không có chí cầu tiến, dần dần bạn cũng sẽ mất niềm tin vào bản thân và tự đặt ra khung giới hạn cho mình.
- Niềm tin xuất phát từ trình độ kiến thức: Thông thường, người có học thức sẽ có hệ niềm tin tích cực hơn so với người học thức kém. Khi mà bạn có nền tảng kiến thức ổn định, bạn sẽ càng tin tưởng vào bản thân hơn.
- Niềm tin xuất phát từ những biến cố lớn: Đôi khi chỉ cần trải qua một biến cố lớn trong cuộc đời, nó sẽ khiến bạn nhận ra bài học chân lý và thay đổi hoàn toàn niềm tin bấy lâu nay;
- Niềm tin xuất phát từ những gì bạn thấy: Chẳng phải các cụ ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy” đó sao, điều này có nghĩa là mọi người luôn tin tưởng vào những gì mà mình được tận mắt chứng kiến. Nếu chúng ta được chứng kiến sự việc này diễn ra quá nhiều lần, dần dần chúng ta sẽ tin đó là sự thật.
2.2. Bản chất của niềm tin
- Niềm tin là sự cố chấp: Một khi đã tin tưởng hoàn toàn vào một điều gì đó, sẽ rất khó để tác động đến nhận thức của bạn. Dù ai nói ngả nói nghiêng, bạn cũng đều không tin và không quan tâm. Đó chính là biểu hiện của sự cố chấp. Tuy nhiên không phải lúc nào cố chấp cũng là điều xấu, thật đáng khen nếu như bạn luôn kiên định với hệ niềm tin tích cực của mình.
- Niềm tin là cảm xúc có cường độ cao: Khi bạn trải qua một biến cố vừa phải, nó chưa thể khiến bạn thay đổi tư duy hoàn toàn nhưng đủ để khiến niềm tin của bạn bị lung lay. Đến khi biến cố này đủ lớn, nó mang lại một cú sốc tâm lý khiến niềm tin của bạn thay đổi hoàn toàn. Như vậy, bản chất này gắn liền với nguồn gốc “niềm tin xuất phát từ những biến cố”;
- Niềm tin là kết quả của quá trình tích lũy kiến thức: Khi bạn tích lũy đủ một lượng kiến thức nhất định, bạn sẽ có đủ cơ sở phân tích sự việc là đúng hay sai, từ đó niềm tin mới xuất hiện. Đây cũng chính là nguồn gốc sâu xa nhất của niềm tin. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ là niềm tin xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ do bị phụ huynh “nhồi sọ”. Điều này có nghĩa là dù đứa trẻ này không có kiến thức nhưng vẫn vô hình chung vẫn có niềm tin về việc gì đó.
3. Sức mạnh và ý nghĩa của niềm tin trong cuộc sống
Khi ai đó gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, mọi người thường nói “chỉ cần có niềm tin sẽ có kết quả” để khuyến khích và động viên họ bởi vì:
3.1. Niềm tin tạo động lực
Niềm tin ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu mà chúng ta đặt ra và tạo ra động lực để chúng ta đạt được chúng. Con đường đi tới thành công vô cùng gian nan, chúng ta không thể nào lường trước được những sự cố bất ngờ xảy đến.
Nếu bạn không giữ được sự nhiệt huyết thuở ban đầu, có thể bạn sẽ dần mất niềm tin vào cuộc sống và từ đó buông xuôi mọi thứ. Vì vậy, bạn không thể thành công nếu không có niềm tin.
Không có niềm tin vào bản thân thì bạn sẽ không thể mong đợi bất cứ ai khác tin vào bạn. Nếu bạn là một nhân viên, bạn không thể mong đợi sếp của bạn hoàn toàn tin tưởng vào bạn nếu ngay cả bạn cũng không tin vào chính mình.
Còn nếu bạn là một doanh nhân, bạn không thể mong đợi một nhà đầu tư tin vào ý tưởng của bạn hoặc mong khách hàng tin vào sản phẩm của bạn nếu bạn thậm chí không tin vào chính mình.
3.2. Niềm tin là cánh cửa mở ra những chân trời mới, khơi dậy hoài bão
Nhờ có niềm tin vào bản thân, rất nhiều người đã đứng lên từ chính thất bại trước đó và tìm ra một con đường phát triển mới. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính là một minh chứng thiết thực về sức mạnh của niềm tin.
Có thể bạn chưa biết, trước khi khai sinh ra tập đoàn Vingroup lớn mạnh như hiện tại, ông từng là du học sinh tại Liên Xô. Thời sinh viên, ông từng mở một nhà hàng tại Dom 5 để bán hàng nhưng cuối cùng ông lại trắng tay, thậm chí là nợ tới 40.000 USD vì chưa có kinh nghiệm.
Chính niềm tin mãnh liệt vào bản thân cộng thêm tính nhạy bén với thị trường, ông đã rẽ hướng sang lĩnh vực sản xuất mì gói và đạt được thành công nhất định. Sau này cũng nhờ chính niềm tin này, ông tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại quê nhà cho tới tận bây giờ.
3.3. Niềm tin tạo năng lượng tích cực
Khi những tình huống khó khăn ập đến, niềm tin có tác dụng tạo ra nguồn năng lượng tích cực và củng cố ý chí của bạn. Nó khiến bạn mạnh mẽ hơn trước những nghịch cảnh mà bạn buộc phải trải qua.
Đó là lý do vì sao những người có hệ niềm tin tích cực không bao giờ lãng phí thời gian hoặc năng lượng để quan tâm đến việc họ đã thất bại bao nhiêu lần trong một việc gì đó.
Thất bại không phải là vấn đề tiêu cực, đó chỉ là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng khi điều đó xảy ra, chỉ cần niềm tin của bạn vững chắc thì không có thất bại hay bước lùi nào có thể đánh gục bạn hoàn toàn.
3.4. Niềm tin là liều thuốc của ước mơ
Ước mơ là một điều gì đó mơ hồ xuất hiện trong tâm trí của bạn, và niềm tin chính là liều thuốc giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ. Khi có niềm tin, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì và bỏ qua những gì để theo đuổi ước mơ đó. Vì vậy đừng bao giờ để niềm tin tiêu cực và niềm tin giới hạn cản trở bước chân của bạn trên hành trình này nhé.
4. Hình ảnh khơi dậy niềm tin
Dưới đây là một vài hình ảnh nhằm khơi dậy niềm tin tích cực, mời các bạn tham khảo:
Đây chính là hình ảnh một cây con căng tràn nhựa sống đang mọc lên từ một vết nứt trên thềm đá. Sỏi đá cứng rắn và không có dinh dưỡng, ấy thế mà cây vẫn có thể tồn tại và phát triển như vậy thì cũng giống như sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống. Chỉ cần có niềm tin, bạn có thể vượt lên trên mọi nghịch cảnh tưởng chừng như không thể vượt qua.
Dòng chữ “Where there’s life, there’s hope” trên bức ảnh này có nghĩa là “Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng”. Chừng nào chúng ta chưa hoàn toàn từ bỏ, ngay cả trong tình huống xấu vẫn có thể tìm ra cơ hội tốt hơn. Vì thế đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống hoặc mất niềm tin vào bản thân mình bởi vì còn sống là còn cơ hội cải thiện, bất kể điều gì tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ.
Đây là bức ảnh cuối cùng mà chúng tôi dành cho bạn nhằm khơi dậy niềm tin vào cuộc sống. Hình ảnh một cánh tay khác đưa ra để nắm lấy tay của bạn có nghĩa là luôn tồn tại ít nhất một người nào đó không bao giờ bỏ rơi bạn. Nhìn vào bức ảnh này, chúng ta còn thấy đây cũng chính là thời điểm mặt trời mọc, tượng trưng cho một ngày mới. Như vậy thì ngày mai sẽ luôn đem lại cho bạn hy vọng và làm mọi thứ tốt đẹp hơn.
Trên đây chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết thông tin xoay quanh chủ đề niềm tin là gì. Hy vọng khi đọc đến đây, bạn đã hiểu được khái niệm niềm tin cũng như nguồn gốc, bản chất và sức mạnh của niềm tin. Chúc bạn sẽ xây dựng cho mình một hệ niềm tin tích cực và luôn luôn tin tưởng vào bản thân. Hãy cho chúng tôi biết ý nghĩ của bạn về niềm tin trong phần bình luận nhé.
Source: Jobtest