Portfolio Là Gì? Phân Biệt Portfolio Và CV Cho Ứng Viên

0
1333

Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy bạn khác biệt và giỏi hơn tất cả các ứng viên khác cùng cạnh tranh cho vị trí này cả về trình độ học vấn, kỹ năng lẫn kinh nghiệm của mình.

Một portfolio có thể giúp bạn làm được điều đó, đặc biệt là đối với dân thiết kế. Vậy portfolio là gì? Portfolio có điểm gì khác biệt so với CV không?

Ngoài những câu hỏi trên, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tham khảo một số kiểu portfolio thông dụng nhé.

Portfolio

1. Portfolio là gì?

Portfolio là một bản tài liệu tổng hợp những dự án, ấn phẩm nổi bật mà ứng viên đã từng thực hiện hoặc tham gia trong quá khứ. 

Như vậy có thể nói portfolio là một cách trực tiếp để ứng viên “chào hàng” sản phẩm trí tuệ của mình cho nhà tuyển dụng và chứng minh cho họ thấy chính xác những gì bạn có thể làm được.

Thông qua portfolio, nhà tuyển dụng sẽ có một cái nhìn sâu sắc về các kỹ năng bạn có, phương pháp bạn đã sử dụng và tay nghề của bạn tiến bộ ra sao theo thời gian.

Từ quan điểm của nhà tuyển dụng, một bản portfolio chuyên nghiệp cho thấy ứng viên là người chủ động trong việc phát triển bản thân.

Sau khi đã thiết lập xong portfolio của mình, hãy dẫn một liên kết đến portfolio trong sơ yếu lý lịch và đề cập đến nó trong thư xin việc. Bạn cũng có thể liên kết đến portfolio từ chữ ký email của bạn.

Đồng thời đừng quên kiểm tra xem các hình ảnh, liên kết trên thường xuyên để xem chúng có bị lỗi không và cập nhật thêm các tác phẩm gần đây nhất.

Portfolio là gì

2. Portfolio gồm những thông tin gì?

Sau khi đã tìm hiểu sơ qua về khái niệm portfolio là gì, chúng ta cùng nhau xem xét những nội dung nào sẽ cần ứng viên nêu trong portfolio nhé.

Thông tin portfolio phải liên quan nhất có thể với vị trí mà bạn ứng tuyển, đồng thời liên quan đến ngành và nhà tuyển dụng càng nhiều càng tốt.

Các nội dung này phải được phân chia theo từng danh mục để dễ dàng tham khảo, và được gói gọn hoàn toàn trong một bản trình bày duy nhất.

Sau quá trình tham khảo ý kiến chuyên gia và nhà tuyển dụng, chúng tôi đã tổng hợp được 5 mục thông tin quan trọng cần có trong một bản portfolio, đó là:

  • Thông tin về quyền sở hữu: Thông tin này nhằm chứng minh tất cả các sản phẩm trong portfolio chỉ thuộc quyền sở hữu của riêng bạn hoặc đồng sở hữu với đối tác mà bạn từng hợp tác. Tất cả những ai sao chép với mục đích thương mại đều là vi phạm pháp luật.
  • Triết lý công việc kèm theo mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà bạn đề ra.
  • Thông tin cá nhân: Phần này có thể dẫn link đến CV trực tuyến của bạn.
  • Kỹ năng: Nêu khoảng 3-5 kỹ năng mà bạn có nhưng phải liên quan đến vị trí tuyển dụng.
  • Các dự án bạn từng thực hiện, ví dụ như: 
  • Các bài báo đã xuất bản mà bạn được đề cập đến;
  • Ảnh về sản phẩm hoặc các tác phẩm nghệ thuật bạn đã tạo cho khách hàng;
  • Hình ảnh trưng bày hàng hóa (nếu có liên quan);
  • Giải thưởng và giấy chứng nhận;
  • Các giấy phép chuyên môn phù hợp.

Quan trọng nhất, hãy cá nhân hóa portfolio của bạn thông qua các tài liệu và sản phẩm mà bạn thu được trong suốt sự nghiệp của mình, chứ không phải đề cập đến sở thích cá nhân hoặc một số thông tin không liên quan về bản thân bạn.

Một số nhà tuyển dụng khó tính có thể loại bỏ ngày và luôn portfolio của bạn nếu họ đọc được quá nhiều thông tin gây nhiễu không liên quan đến công việc.

Portfolio gồm những gì

3. Phân biệt Portfolio và CV

Cùng là tài liệu mà ứng viên cần chuẩn bị khi đi xin việc, vậy điểm khác biệt giữa CV và portfolio là gì? Câu trả lời là chúng có 3 điểm khác biệt chính, bao gồm:

3.1 Khác biệt về nội dung

CV là một tài liệu ngắn gọn và súc tích nhằm liệt kê toàn bộ thông tin cơ bản về ứng viên như thông tin cá nhân, các loại bằng cấp liên quan, kỹ năng và bao gồm cả hoạt động ngoại khóa. 

Ngược lại, nội dung của portfolio lại không rộng rãi như vậy, nó chủ yếu đề cập đến khả năng chuyên môn thông qua các sản phẩm, dự án thực tế mà ứng viên đã thực hiện. Portfolio được tổng hợp lại dưới nhiều định dạng khác nhau như video, trang web, hình ảnh, đồ thị và hơn thế nữa. 

3.2 Khác biệt về hình thức trình bày

Thông thường, CV thường chỉ gói gọn trong 1-2 trang A4. Trong khi đó, độ dài của Portfolio lại không giới hạn bởi vì mỗi dạng sản phẩm sẽ có độ dài và kích thước khác nhau.

3.3 Khác biệt về ngành nghề yêu cầu

Hầu hết các nhà tuyển dụng ở mọi ngành nghề đều sẽ yêu cầu ứng viên nộp CV để tham gia ứng tuyển. Trong khi đó portfolio lại chỉ giới hạn trong một vài ngành nghề cụ thể liên quan đến tính sáng tạo, chi tiết sẽ được liệt kê ở phần tiếp theo.

Portfolio và CV

4. Khi nào ứng viên nên dùng Portfolio?

Portfolio thường được yêu cầu trong quá trình tuyển dụng cho các công việc như:

  • Nhiếp ảnh gia (Photographer);
  • Thiết kế đồ họa (Graphic Designer);
  • Kỹ sư phát triển phần mềm (Software developer);
  • Editor;
  • Giám đốc sáng tạo;
  • Người mẫu;
  • Writer;
  • MC;
  • Đạo diễn;
  • Họa sĩ;
  • Chuyên viên trang điểm (Makeup artists);
  • Chuyên gia thẩm mỹ,…

Trong hầu hết các lĩnh vực sáng tạo kể trên, một vài trang giấy là không đủ để thể hiện trình độ ứng viên nên nhà tuyển dụng sẽ muốn xem xét và đánh giá suất bạn thông qua các dự án trước đây của bạn.

5. Một số cách tiếp cận với nhà tuyển dụng qua Portfolio

Bạn có thể thiết lập portfolio và nộp cho nhà tuyển dụng dưới dạng 1 trong 4 hình thức sau:

5.1. Portfolio bản in

In portfolio ra giấy là cách tiếp cận cổ điển và phổ biến nhất mà nhiều ứng viên thường sử dụng khi đi xin việc. 

Dù công nghệ thông tin vô cùng phát triển nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều nhà tuyển dụng thích được chiêm ngưỡng portfolio bản in hơn là bản pdf vì họ có thể cảm nhận độ tinh tế của sản phẩm một cách chi tiết nhất từ chất liệu giấy đến mực in và cả độ bóng trên trang giấy.

Sự thật là khi cầm trên tay một bản portfolio in màu sẽ đem lại cảm xúc hoàn toàn khác biệt so với việc bạn xem chúng trên máy tính. 

Tuy nhiên portfolio bản in cũng có rất nhiều nhược điểm như:

  • Chi phí in ấn cao: Portfolio phải được in màu trên giấy chất lượng cao, mực in rõ nét nên ứng viên phải chi trả số tiền khá lớn nếu muốn sở hữu một bộ ảnh ấn tượng. Chưa kể bạn cũng sẽ cần phải tốn thêm một khoản nữa để in các trang bổ sung hoặc trang mới cho portfolio của mình khi các dự án hoặc sản phẩm mới xuất hiện;
  • Bạn có nguy cơ làm rơi vãi thứ gì đó trên các trang khiến trang bị mất thẩm mỹ hoặc làm rơi toàn bộ ấn phẩm portfolio của mình nếu như phải di chuyển quá nhiều.

Portfolio bản in

5.2. Portfolio bản PDF

Trong trường hợp bạn quen biết với bộ phận nhân sự qua mạng xã hội và họ yêu cầu bạn gửi một bản portfolio chứng minh năng lực của bạn, lúc này bạn không thể gửi portfolio bản cứng được. Thay vào đó, hãy gửi cho họ file mềm, hay còn gọi là portfolio bản PDF.

Ưu điểm của bản PDF là tiết kiệm chi phí in ấn và tiết kiệm dung lượng trong khi chất lượng hình ảnh, video vẫn được giữ nguyên.

5.3. Portfolio trực tuyến

Nhiều doanh nghiệp và nhà tuyển dụng tích cực sử dụng các nền tảng trực tuyến như LinkedIn, Facebook, Instagram và Twitter để phát triển kinh doanh và tuyển dụng nhân viên.

Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như vậy, bạn có cơ hội tuyệt vời để lọt vào mắt xanh của bộ phận tuyển dụng thuộc công ty đa quốc gia khi họ nhìn thấy hồ sơ và portfolio chuyên nghiệp của bạn.

Điều này đã mang lại cho rất nhiều freelancer hoặc designer cơ hội kiếm được công việc tự do với mức thu nhập ổn định.

Dribble và Behance là 2 trong số các trang cho phép người dùng tạo portfolio trực tuyến phổ biến hiện nay.

Portfolio trực tuyến

5.4. Portfolio video

Nếu bạn đang ứng tuyển với vị trí là người dẫn chương trình (MC), diễn viên, đạo diễn, biên tập phim hoặc bất kỳ ngành nghề nào liên quan đến việc sử dụng máy quay phim thì portfolio video là cách tốt nhất để thể hiện tài năng của bạn. 

Windows Movie Maker, iMovie,… là những công cụ tuyệt vời để biên tập thành các video clip một cách dễ dàng. Bạn có thể tập hợp những hình ảnh, bài hát, clip ngắn và biên tập lại để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, sau đó chuyển đổi chúng thành các định dạng thường được sử dụng, chẳng hạn như tệp .mov hoặc .mpeg4, để sử dụng trong portfolio của bạn.

6. Một số portfolio mẫu để bạn tham khảo

Trong phần này, chúng tôi đã tổng hợp được 3 mẫu portfolio ấn tượng thuộc nhiều trường phái hình ảnh khác nhau, mời các bạn tham khảo.

6.1 Portfolio của Lotta Nieminen

Website: lottanieminen.com

Lotta Nieminen là một nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng chuyên về xây dựng thương hiệu, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế ấn phẩm cho nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Khách hàng lớn mà cô từng hợp tác gồm có Bvlgari, Hermes, New York Times, Liberty of London, Marimekko và Vanity Fair. 

Mỗi sản phẩm của Lotta Nieminen đều mang lại sự chuyên nghiệp thông qua màu sắc, xúc giác và bố cục. 

6.2 Portfolio của Hattie Stewart

Website: hattiestewart.com

Hattie Stewart là một họa sĩ vẽ minh họa trẻ sống ở London. Cô tự xưng là “người vẽ nguệch ngoạc chuyên nghiệp”, Hattie đã có nhiều tác phẩm được triển lãm ở Los Angeles, Miami, New York, Berlin và London. Đồng thời cô cũng được hợp tác với nhiều nhà thiết kế lớn như House Of Holland, Marc By Marc Jacobs và Adidas. Mỗi sản phẩm của cô đều mang phong cách độc đáo, vui tươi, hoa mỹ và có phần táo tợn.

6.3 Portfolio của Aries Moross

Website: ariesmoross.com

Khởi đầu là một nhà thiết kế trên sân khấu âm nhạc London, Aries Moross hiện điều hành một studio nổi tiếng mang tên cô. Studio này được làm việc với các tên tuổi lớn trên thế giới như Disney, Uniqlo và Kiehl’s. 

Từ thiết kế đồ họa và hoạt hình, đến kiểu chữ và minh họa, nhà thiết kế Aries Moross mang đến màu sắc và sự độc đáo cho mọi dự án. Đó cũng chính là thứ làm nên thương hiệu của Aries Moross.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu thông tin liên quan đến chủ đề Portfolio là gì. Mong rằng với những kiến thức chúng tôi chia sẻ trên đây, bạn có thể nắm rõ 4 định dạng của portfolio và cách phân biệt chúng với CV. Còn chần chừ gì nữa mà các bạn lại không nhanh tay tự thiết kế cho mình một ấn phẩm portfolio thật chuyên nghiệp để đánh gục mọi nhà tuyển dụng.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here