11 Kỹ năng kinh doanh – chìa khóa giúp bạn thành công!

0
1924

Bên cạnh các yếu tố ngoại vi như tình hình kinh tế, chính trị – pháp luật, nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm,…thì sự thành công của doanh nghiệp còn phụ thuộc không nhỏ vào một yếu tố nội vi, đó chính là kỹ năng kinh doanh của người lãnh đạo. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là: để trở thành một doanh nhân thành công thì chúng ta cần tự rèn luyện những kỹ năng gì?

Kỹ năng kinh doanh thành công

Kinh doanh là gì?

Trước khi tìm hiểu về kỹ năng kinh doanh, chúng ta sẽ nhìn nhận khái niệm “kinh doanh” dựa trên hai góc độ khác nhau.

Góc độ thứ nhất là dựa theo từ điển tiếng Việt: kinh doanh là các hoạt động sản xuất, buôn bán với mục đích tạo ra lợi nhuận. Có thể thấy không phải hoạt động sản xuất, buôn bán nào cũng được gọi là kinh doanh, cho dù hình thức bên ngoài giống với kinh doanh nhưng mục tiêu của hoạt động đó không phải tạo ra lợi nhuận thì đều không phải là kinh doanh.

Góc độ thứ hai là căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật: kinh doanh là việc thực hiện một, một vài hoặc toàn bộ các công đoạn từ quá trình sản xuất đến quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Dưới góc độ pháp lý, khi xác định một hành vi có phải là kinh doanh hay không, chúng ta chỉ quan tâm đến việc có hay không có mục tiêu tạo ra lợi nhuận, chứ không quan tâm đến kết quả của mục tiêu như thế nào. Các trường hợp sản xuất, buôn bán tuy không có lợi nhuận (bị lỗ) nhưng luôn hướng tới mục tiêu sinh lợi thì vẫn được gọi là kinh doanh.

Như vậy, đứng trên góc độ nào thì bản chất của hoạt động kinh doanh đều là tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận được tính bằng số tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí.

Kinh doanh là gì?
Kinh doanh là gì?

11 Kỹ năng kinh doanh giúp bạn thành công

Dưới đây là 11 kỹ năng mà mọi doanh nhân cần rèn luyện càng sớm càng tốt để trở nên thành công hơn trong việc quản lý doanh nghiệp của mình.

1. Kỹ năng ủy thác công việc

Ủy thác là việc chuyển giao trách nhiệm và các nhiệm vụ cụ thể từ người này sang người khác.

Từ góc độ quản lý, ủy thác xảy ra khi nhà lãnh đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho các quản lý cấp dưới, sau đó người quản lý lại giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên của mình.

Ủy thác công việc là một kỹ năng kinh doanh vô cùng quan trọng. Theo một nghiên cứu của Gallup, những giám đốc điều hành biết cách ủy ​​thác công việc sẽ tăng hiệu quả làm việc hơn 33%. Bằng cách giao những nhiệm vụ đó cho các thành viên trong nhóm, nhà lãnh đạo có nhiều thời gian để tập trung vào các hoạt động mang lại giá trị cao hơn cho công ty, trong khi nhân viên vẫn giữ được quyền tự chủ cao hơn.

Ngược lại, nếu nhà lãnh đạo ôm hết công việc về mình mà không chịu ủy thác công việc cho cấp dưới, chính họ sẽ khiến lịch trình làm việc của mình bị quá tải mà nhân viên của họ cũng sẽ bỏ lỡ những cơ hội học hỏi và chứng tỏ bản thân.

Kỹ năng ủy thác công việc
Kỹ năng ủy thác công việc

Là một doanh nhân, nếu cấp dưới của bạn không hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao, đừng ngại đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng để họ nhận ra lỗi của mình và cố gắng thay đổi vào lần tiếp theo khi đảm nhận một nhiệm vụ tương tự. Ngược lại, nếu họ làm tốt, hãy dành những lời khen có cánh để thể hiện sự đánh giá cao của bạn với nỗ lực của họ.

Để đảm bảo bạn đang ủy thác công việc hiệu quả, hãy hỏi nhân viên của bạn xem bạn phân chia công việc như vậy có hợp lý hay không và bạn có thể làm gì để ủy thác tốt hơn trong tương lai.

2. Kỹ năng giao tiếp tốt

Giao tiếp tốt là một kỹ năng kinh doanh cốt lõi và cũng là đặc điểm không thể thiếu của một doanh nhân thành công.

Giao tiếp hiệu quả và lãnh đạo hiệu quả luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Là một nhà lãnh đạo, bạn phải học cách xử lý các luồng thông tin nhanh chóng trong tổ chức và giữa các khách hàng, đối tác, nhân viên cũng như các bên liên quan và những người có ảnh hưởng khác. Mỗi lời bạn nói ra đều có sức ảnh hưởng rất lớn trong nội bộ doanh nghiệp, trong cộng đồng và thậm chí là trên quy mô toàn cầu.

Vì vậy bạn phải biết nắm bắt bối cảnh và thời điểm giao tiếp, từ đó chọn ra chế độ giao tiếp thích hợp. Trên thực tế, có 3 loại bối cảnh giao tiếp, bao gồm viết, trò chuyện và trình bày. Các nhà lãnh đạo thành công phải xuất sắc trong cả 3 bối cảnh đó. Đó là cách duy nhất để tạo ra những sự kết nối quan trọng giữa con người với nhau.

Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp

Người giao tiếp tốt cũng là người biết lắng nghe. Khi bạn lắng nghe, bạn sẽ hiểu rõ quan điểm và kiến ​​thức của người khác. Các doanh nhân thành công luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân viên, chẳng hạn như nhân viên của Starbucks luôn được ông chủ khuyến khích nêu ra quan điểm và ý tưởng cá nhân. Áp đặt quan điểm của mình vào ai đó thay vì lắng nghe ý tưởng của họ không phải là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo giỏi.

3. Kỹ năng đàm phán, thương lượng

Đàm phán tốt có nghĩa là mỗi bên đều hài lòng và sẵn sàng làm ăn với nhau trong tương lai. Trong thị trường cạnh tranh ngày nay, đàm phán tốt là kỹ năng kinh doanh vô cùng quan trọng, nhất là đối với nhà lãnh đạo.

Tiềm năng đàm phán của bạn sẽ quyết định việc mọi người có muốn làm việc với bạn hay không. Khả năng đàm phán tốt sẽ đem lại cho bạn những hợp đồng béo bở vượt ra ngoài sức tưởng tượng của bạn nhưng vẫn giữ được sự hòa nhã với các bên còn lại.

Không ai sinh ra đã giỏi đàm phán, và cách duy nhất để bạn cải thiện kỹ năng đàm phán trong giao tiếp kinh doanh là thực hành nó. Thực hành càng nhiều, bạn sẽ càng biết cách quan sát ngôn ngữ cơ thể của người khác.

Đàm phán đơn giản là một trò chơi và bạn phải tiếp tục chơi, áp dụng các chiến lược cho đến khi bạn giành được chiến thắng. Hãy nắm bắt mọi cơ hội để học cách đàm phán và trở thành người đàm phán giỏi.

Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng đàm phán

4. Kỹ năng hoạch định chiến lược

Tư duy chiến lược liên quan đến việc đưa ra một loạt quyết định về những hành động mà công ty dự định thực hiện trong tương lai nhằm thu về nhiều lợi nhuận.

Các chủ doanh nghiệp coi tư duy chiến lược trở thành yếu tố trung tâm trong triết lý kinh doanh của mình và họ luôn nỗ lực không ngừng để trở thành một nhà hoạch định chiến lược tài hoa.

Họ học cách nhận ra những thay đổi nhỏ trong môi trường kinh doanh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu của họ – những điều mà họ có thể đã bỏ qua trong quá khứ. Họ trở nên thành thạo hơn trong việc dự đoán phản ứng của các đối thủ cạnh tranh đối với mỗi chiến lược mà họ thực hiện, từ đó giúp công ty giảm thiểu thiệt hại do các tình huống tiêu cực không lường trước được.

Tư duy chiến lược cũng giúp chủ doanh nghiệp biết cách sử dụng các nguồn lực hiện có một cách hiệu quả nhất và thúc đẩy công ty đạt được các mục tiêu của mình.

Kỹ năng hoạch định chiến lược
Kỹ năng hoạch định chiến lược

5. Kỹ năng lãnh đạo

Là người đứng đầu một doanh nghiệp, bạn giống như thuyền trưởng nắm giữ vận mệnh của con thuyền vậy, thế nên bạn nhất định phải có kỹ năng lãnh đạo. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết dẫn dắt nhân viên của mình đi theo con đường đúng đắn để đạt được mục tiêu chung.

Nếu chẳng may mọi thứ đi lệch khỏi quỹ đạo ban đầu, bạn phải là người tìm ra nguyên nhân vì sao sự việc lại xảy ra theo chiều hướng đó và đưa ra các kế hoạch điều chỉnh để mọi thứ lại trở về đúng hướng như mục tiêu ban đầu.

Vì thế các doanh nhân thành công đều có một điểm chung là vô cùng quyết đoán và dứt khoát.

Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo

6. Kỹ năng xây dựng và làm việc nhóm

Là một chủ doanh nghiệp, cuối cùng thì bất kỳ quyết định hoặc vấn đề lớn nào cũng sẽ rơi vào tay bạn. Vì vậy, bạn cần phải có các kỹ năng kinh doanh để làm tất cả mọi việc trong khi vẫn giữ một cái đầu lạnh.

Từ phân chia nhiệm vụ cho từng người đến việc giải quyết xung đột do các thành viên trong nhóm không hòa hợp với nhau, dù là vấn đề gì thì bạn cũng cần xử lý một cách chuyên nghiệp và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất. Nó hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, và đây cũng chính là lý do tại sao các kỹ năng xây dựng và làm việc nhóm lại quan trọng như vậy.

Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc nhóm

7. Kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề

Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, người lãnh đạo cần đánh giá và phân tích thông tin do cấp dưới trình bày cho họ một cách kỹ lưỡng. Nếu một vấn đề phát sinh, họ cần có khả năng phân tích các quy trình kinh doanh để tìm ra nguyên nhân, sau đó cố gắng tìm ra cách khắc phục.

Giả sử bạn là chủ của một nhà hàng và nhận thấy một vấn đề mới phát sinh trong 2 tuần qua là chi vượt ngân sách cho đồ ăn. Sau khi xem lại thực đơn và những gì khách hàng đã đặt cùng với chi phí thực phẩm từ các nhà cung cấp, bạn thấy rằng giá hải sản đã tăng trong hai tuần qua.

Khi bạn nói chuyện với nhà cung cấp, họ giải thích rằng nguồn cung bị đứt gãy do thời tiết quá nóng khiến họ phải tăng chi phí để bù đắp. Cuối cùng bạn quyết định giảm số lượng đơn đặt hàng hải sản của mình để giảm chi phí và làm việc với đầu bếp để phát triển các món đặc biệt mới để khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

Như vậy trong ví dụ này, bạn đã sử dụng kỹ năng phân tích để xem xét dữ liệu từ các nguồn khác nhau và đưa ra quyết định dựa trên quan sát của bạn.

Kỹ năng phân tích
Kỹ năng phân tích

8. Kỹ năng bán hàng và marketing

Sự thành công trong kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm dịch vụ, mà còn phụ thuộc vào khả năng marketing và bán hàng. Một sản phẩm tốt nhưng không được marketing rầm rộ thì cũng giống như việc bạn đốt nến nhưng lại đặt dưới gầm giường vậy đó.

Trước khi trở thành chủ của một công ty lớn với nhiều nhân viên, bạn phải trải qua một vài năm lãnh đạo một công ty khởi nghiệp với quy mô nhỏ. Và để tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu khởi nghiệp, thông thường các nhà lãnh đạo sẽ phải tự mình tham gia vào hoạt động marketing và bán hàng.

Một ví dụ minh chứng phải kể đến shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE. Đây là doanh nghiệp nổi tiếng chuyên cung cấp các sản phẩm gia dụng như nồi cơm điện, xoong, chảo, nồi,…

Trong một lần ngồi ghế nóng tại chương trình Shark Tank Việt Nam, shark Phú đã chia sẻ rằng hồi công ty mới thành lập, chính ông là người trực tiếp đi bán hàng. Thứ nhất là để lắng nghe ý kiến của khách hàng về những sản phẩm này, thứ hai là để tìm ra phương pháp bán hàng tốt nhất.

Kỹ năng bán hàng và marketing
Kỹ năng bán hàng và marketing

9. Kỹ năng quản lý dòng tiền hiệu quả

Nếu bạn muốn dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công rực rỡ, nhất định bạn phải nhúng tay vào việc giám sát, quản lý dòng tiền.

Tại sao kỹ năng kinh doanh này lại mang tính chất sống còn như vậy? Lý do bởi dòng tiền giống như “huyết mạch” của doanh nghiệp, dòng tiền ổn định thì mọi hoạt động trong doanh nghiệp của bạn mới được vận hành một cách trơn tru.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong ba báo cáo tài chính quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp. Nó giúp các nhà đầu tư xác định liệu công ty này có đang có nền tảng tài chính vững chắc hay không.

Kỹ năng quản lý dòng tiền
Kỹ năng quản lý dòng tiền

Dưới đây là một số mẹo bạn có thể sử dụng để quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp của mình:

  • Giữ tỷ lệ nợ ở mức thấp: Khi bạn đang gánh quá nhiều nợ, nếu doanh thu của công ty không đủ để trang trải mọi chi phí (bao gồm cả công nợ), điều này đồng nghĩa với việc bạn đang đẩy doanh nghiệp của mình rơi vào nguy cơ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính;
  • Giữ một khoản dự trữ tiền mặt: Lựa chọn thông minh nhất mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ dòng tiền của mình là dự trữ tiền mặt. Ngay cả khi tình trạng thiếu tiền xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy tự tin và chủ động hơn vì mọi thứ đều nằm trong kế hoạch của bạn;
  • Luôn cập nhật các khoản phải thu: Một số chủ doanh nghiệp, thường là doanh nghiệp nhỏ, không theo dõi được khách hàng nào chậm thanh toán. Đến khi cần tiền để mở rộng kinh doanh thì lại không thể thu hồi kịp. Vì vậy điều cần thiết là phải thường xuyên cập nhật các khoản thu và liên lạc với khách hàng để yêu cầu họ thanh toán dần.

10. Kỹ năng quản trị thời gian

Quản lý thời gian là quá trình tổ chức, lập kế hoạch và kiểm soát chiến lược thời gian mà bạn dành cho các công việc cụ thể. Khi được thực hiện hiệu quả, kỹ năng quản lý thời gian cho phép bạn hoàn thành hàng tá công việc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà vẫn đạt được hiệu suất ổn định.

Là một chủ doanh nghiệp, chúng tôi biết đôi khi bạn có cảm giác 24h trong một ngày là không đủ để hoàn thành hết những việc phải làm. Để khắc phục điều này, chúng tôi xin gợi ý một vài mẹo nhỏ giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả hơn:

  • Xác định thời gian “vàng”: Bạn có biết bạn làm việc hiệu quả nhất vào thời điểm nào trong ngày không? Bạn là “chim sâu dậy sớm” hay “cú đêm” chính hiệu? Hãy giải quyết những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất vào thời điểm mà bạn cảm thấy mình tỉnh táo nhất, những thời điểm còn lại trong ngày có thể được dành để làm những công việc đòi hỏi ít chất xám hơn;
  • Lập kế hoạch hàng tuần: Lập kế hoạch cho các ngày của bạn trong tuần tới là một cách tuyệt vời để sắp xếp thời gian của bạn một cách hiệu quả và đảm bảo rằng bạn đang ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng nhất của mình. Hãy bắt đầu bằng cách vạch ra các nhiệm vụ theo thứ tự quan trọng nhất đến kém quan trọng hơn và đừng quên lập kế hoạch nghỉ ngơi nhé, bởi vì bạn là một con người chứ không phải một cỗ máy. Bạn cần có một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng cho những tuần kế tiếp.
Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian

11. Khả năng truyền cảm hứng

Suy cho cùng, nhân viên là thứ tạo nên thành công của một doanh nghiệp. Vì vậy, nếu bạn hy vọng xây dựng một lực lượng lao động hiệu quả và trung thành, bạn cần có khả năng động viên và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình. Điều này sẽ có tác động tích cực đến tỷ lệ giữ chân nhân viên, đảm bảo nhân viên muốn gắn bó với công ty của bạn trong một thời gian dài.

Khả năng truyền cảm hứng
Khả năng truyền cảm hứng

Tuy nhiên, đừng dùng những câu nói sáo rỗng để khích lệ nhân viên, hãy cho họ thấy những thành quả mà họ có thể nhận được từ công ty nếu như cố gắng hết mình. Nhà lãnh đạo thành công là người chỉ cho nhân viên cách đạt được thành công, chứ không phải vẽ cho họ một bức tranh tương lai đẹp đẽ nhưng không có thật.

Trên đây là danh sách 11 kỹ năng kinh doanh mà chúng tôi đúc kết được từ nhiều doanh nhân thành công trong và ngoài nước. Mặc dù rất khó khăn nhưng là một nhà lãnh đạo, bạn buộc phải không ngừng cố gắng và rèn luyện đến cùng.

Bạn có thể không có tất cả những kỹ năng này ngay bây giờ, nhưng nếu bạn nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, bạn có thể thực hiện từng bước nhỏ để phát triển những kỹ năng bạn không có. Chúc các bạn thành công.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here