4 Kỹ năng ghi chép hiệu quả giúp bạn giúp bạn ghi nhớ mọi kiến thức

0
3212

Kỹ năng ghi chép có thể giúp bạn ghi nhớ lên tới 80% nội dung bài giảng. Trong khi đó nếu không ghi chép lại, bạn chỉ có thể nhớ được tối đa 50% và sẽ quên gần hết những gì đã nghe sau 20 phút. Tuy nhiên chỉ ghi chép thôi là chưa đủ, bạn cần phải học cách ghi chép có hiệu quả nữa. Và đây chính là 4 kỹ năng ghi chép thần thánh mà rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đã áp dụng thành công:

Kỹ năng ghi chép

1. Đừng ghi chép nhiều, hãy chọn lọc

Lượng thông tin mà chúng ta phải tiếp nhận khi nghe giảng hoặc khi đọc tài liệu là rất lớn. Bởi vậy bạn không thể và cũng không cần thiết phải ghi chép toàn bộ những gì mà thầy cô giảng trên lớp. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn khiến bạn có thể bỏ lỡ một số thông tin quan trọng. 

Lưu ý đầu tiên trong cuốn bí kíp rèn luyện kỹ năng ghi chép chính là ghi chép có chọn lọc. 

Nói thì rất đơn giản, nhưng nhiều bạn lại không biết nên ghi những gì vào trong vở. Có 2 thứ mà bạn cần ghi chép, đó là:

  • Nội dung chính trong bài;
  • Một số câu hỏi có liên quan: Bạn nên viết ra các câu hỏi để hỏi sau giờ học hoặc hỏi trong các bài giảng tiếp theo. Bạn có nhiều cách để tìm đáp án như tự tìm kiếm thông tin trên internet, hỏi giáo viên bộ môn, hỏi một số bạn học khác hoặc sử dụng sách tham khảo.

Ngoài ra, hãy quan sát cẩn thận ngôn ngữ cơ thể của giáo viên. Nếu họ nhắc đi nhắc lại một nội dung nào đó nhiều lần hoặc họ viết điều gì đó trên bảng thì bạn cũng nên ghi chú lại điều đó vào vở.

Ghi chép có chọn lọc

Việc ghi chú chẳng có ích lợi gì nếu bạn không thể đọc chúng. Bởi vậy khi ghi chép những thông tin này, bạn không nhất thiết phải ghi theo khuôn mẫu nào cả, hãy cứ ghi theo ý hiểu và cách trích bày mà bạn thấy logic nhất. 

Một mẹo nhỏ trong kỹ năng ghi chép đầu tiên là nên để một khoảng trống vừa đủ ở 2 bên lề và gần các khái niệm mà bạn thấy khó hiểu trong sổ ghi chú của mình. Việc này giúp bạn có thể bổ sung thêm các chi tiết quan trọng liên quan đến các chủ đề ở bài giảng trước nhưng lại được đề cập trong các bài giảng sau đó.

2. Tập trung khi tiếp nhận thông tin

Chúng ta càng tập trung bao nhiêu thì việc ghi chép và ghi nhớ thông tin càng hiệu quả bấy nhiêu.

Trong quá trình tiếp nhận thông tin, chỉ cần vài giây mất tập trung là bạn có thể bỏ qua những nội dung quan trọng nhất. Vì vậy, tập trung là yếu tố vô cùng quan trọng để rèn luyện kỹ năng ghi chép hiệu quả.

Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện sự tập trung bằng cách kiểm soát môi trường học tập. Học tập trong một không gian yên tĩnh chứa tất cả các tài liệu học tập cần thiết sẽ giúp chúng ta không bị phân tâm và có thể nâng cao đáng kể tốc độ ghi nhớ một lượng lớn thông tin.

Để làm được như vậy, bạn cần tránh xa điện thoại thông minh. Chỉ có cách duy nhất là tắt nguồn hoặc bật chế độ máy bay thì mới có thể hoàn toàn tập trung vào việc tiếp nhận thông tin. Lý do là bởi khi điện thoại vẫn xuất hiện trong tầm ngắm thì bạn vẫn lăn tăn một số điều kiểu như “Không biết có ai nhắn tin cho mình không”. Do đó nó làm giảm hiệu quả của quá trình ghi chép.

Tập trung tiếp nhận thông tin

3. Sắp xếp các ghi chép

Biết cách chọn lọc thông tin để ghi chép thôi là chưa đủ, bạn cần hệ thống hóa tất cả các thông tin này nữa. Bắt đầu với dòng tiêu đề ở chính giữa và thêm các nội dung lớn được viết thụt lề. Bên trong các nội dung này, bạn có thể thêm một số ký hiệu đầu dòng như dấu gạch đầu dòng, dấu cộng đầu dòng, dấu hoa thị,…Bằng cách này, các ghi chép của bạn có vẻ logic hơn và bạn sẽ dễ dàng xem lại chúng sau này.

Nếu vẫn còn đi học, để rèn luyện kỹ năng ghi chép hiệu quả, bạn hãy từ bỏ thói quen dùng duy nhất một quyển vở để ghi chép các môn chung với nhau ngay từ hôm nay. Tuy nó có thể tiết kiệm được một chút thời gian nhưng lại khiến hệ thống kiến thức của bạn rối như mớ bòng bong vậy.

4. Sử dụng các cách ghi chép khoa học

Trên thế giới có rất nhiều phương pháp ghi chép khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra một phương pháp phù hợp với mình và gắn bó lâu dài với nó. Dưới đây là 2 loại hình ghi chép khoa học được nhiều người áp dụng nhất mà bạn có thể tham khảo:

Ghi chú dạng Cornell

Cornell Note do một giáo sư của trường Đại học Cornell phát minh vào năm 1950.

Điểm mạnh của phương pháp này là bố cục trang. Ở đầu trang, bạn ghi tên khóa học, cuộc họp hoặc hội thảo cùng với ngày tháng và chủ đề. Sau đó, trang được chia thành 3 phần:

  • Cột bên trái (rộng khoảng 6cm): Ghi chú ngắn gọn các ý chính hoặc các từ viết tắt, biểu thức, câu hỏi, từ khóa;
  • Cột bên trái: Ghi chú các khái niệm, công thức, câu trả lời và đồ thị quan trọng;
  • Phần cuối trang (độ dài 3-7 dòng): Tóm tắt ngắn gọn trang trong một hoặc hai câu.

Ghi chú dạng Cornell không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng ghi chép mà còn giúp bạn dễ dàng xem lại tài liệu thường xuyên. Nếu bạn cần xem lại nội dung chính hoặc tra từ khóa thì chỉ cần nhìn dò cột bên trái là xong, gióng sang cột bên phải sẽ thấy ngay nội dung chi tiết.

Ghi chú cornell

Ghi chú dạng sơ đồ tư duy (mind map)

Sơ đồ tư duy là một sơ đồ trực quan cho phép bạn sắp xếp các ghi chú của mình theo cấu trúc nhánh. Thay vì viết bắt đầu từ dòng trên cùng bên trái xuống đến dòng cuối cùng thì mindmap lại được trình bày trên một trang giấy trắng khổ ngang. 

Ban đầu bạn cần viết chủ đề hoặc từ khó ở giữa trang; sau đó thêm các ghi chú của mình dưới dạng các nhánh tỏa ra bên ngoài. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan nhờ khả năng lưu trữ tất cả các ghi chú liên quan đến chủ đề trên một trang duy nhất.

Bản đồ tư duy còn được sử dụng kết hợp với một số yếu tố kích hoạt não bộ như hình ảnh, biểu tượng, màu sắc giúp bạn ghi nhớ lâu hơn và phù hợp với cách thức hoạt động tự nhiên của não.

Ghi chú dạng sơ đồ tư duy (mind map)

Lưu ý: Chúng ta sẽ nhớ thông tin nhanh nhất ngay sau khi chúng ta đọc, nghe hoặc xem tài liệu. Tuy nhiên ngay cả khi đã ghi chép nhưng nếu bạn không đọc lại trong 24 giờ đầu tiên thì cũng sẽ rất dễ quên dần.

Đó là lý do tại sao việc xem xét thông tin thường xuyên là rất quan trọng. Nó cho phép chúng ta chuyển kiến ​​thức mới từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn, và sau đó lưu giữ mãi mãi trong não bộ. Lượng thông tin càng lớn thì chúng ta càng cần phải nỗ lực nhiều hơn. 

Ghi chép đúng cách không chỉ giúp bạn ghi nhớ các ý chính mà nó còn giúp bạn duy trì tập trung suốt buổi học. Nếu bạn muốn nâng cao thành tích học tập của mình thì việc rèn luyện kỹ năng ghi chép hiệu quả là điều bắt buộc. Chúc các bạn ngày càng hứng thú hơn trong việc ghi chép và đạt được thành tích tốt.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here