Biên tập viên là gì? Học ngành nào để làm biên tập viên?

0
3127

Chúng ta thường biết tới biên tập viên khi xem họ dẫn dắt các chương trình truyền hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngoài việc xuất hiện trên sóng truyền hình, nghề biên tập viên còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Vậy cụ thể công việc của biên tập viên là gì? Học ngành nào, trường nào để trở thành một biên tập viên? Biên tập viên giỏi cần có những tố chất gì?

Biên tập viên

1.  Khái niệm biên tập viên

Trước khi tìm hiểu về công việc của biên tập viên, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm biên tập viên là gì đã nhé.

Theo cuốn Từ điển Tiếng Việt do nhà xuất bản TP. HCM phát hành: Biên tập là quá trình soạn thảo, phản hồi ý kiến với tác giả và kiểm duyệt những sai sót của bản thảo, sau đó đem đi xuất bản. Như vậy cứ ở đâu có người viết tạo ra tài liệu thì ở đấy sẽ cần người biên tập.

Cũng theo định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy người làm biên tập viên phải có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu thì mới đảm bảo sự chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung của các tác phẩm văn học, bài báo của phóng viên hay các bản tin truyền hình.

Nếu bạn là một người yêu thích công việc viết lách, ngoài trở thành người viết thì biên tập viên cũng là một sự lựa chọn không tồi.

Biên tập viên là gì?
Biên tập viên là gì?

2.  Công việc của biên tập viên

Như chúng tôi đã nói trong phần mở đầu, ngoài xuất hiện trong lĩnh vực truyền hình, công việc biên tập viên còn xuất hiện ở 2 lĩnh vực khác nữa. Đó chính là báo chí và xuất bản. Mỗi lĩnh vực thì người biên tập viên sẽ có công việc khác nhau, cụ thể như sau:

2.1. Biên tập viên ngành báo chí

Tại các tòa soạn, sau khi nhận bài viết từ các phóng viên, biên tập viên sẽ thực hiện nhiệm vụ sửa lỗi chính tả và chỉnh sửa hình thức, ngôn từ sao cho phù hợp.

Sau khi chỉnh sửa xong những lỗi này, biên tập viên phải kiểm tra lại nguồn của bài viết xem thông tin trên có xác thực không, tránh trường hợp sau khi xuất bản mới phát hiện ra thông tin đã bị bịa đặt, xuyên tạc.

Nếu phóng viên đưa thông tin sai lệch mà không được biên tập viên kiểm chứng một lần nữa, điều này có thể khiến cả tòa soạn dính vào kiện tụng không đáng có. Thậm chí nó có thể ảnh hưởng tới cả uy tín và danh dự của những người làm cùng ngành.

Biên tập viên báo chí
Biên tập viên báo chí

2.2. Biên tập viên ngành truyền hình

Đối với biên tập viên truyền hình, chúng ta chia thành 3 dạng:

  • Biên tập viên thời sự: Biên tập viên phải cập nhật những tin tức, sự kiện mới nhất cho tất cả mọi người, kể cả tin trong nước và tin nước ngoài. Tuy nhiên công việc của biên tập viên truyền hình không chỉ là đọc bản tin đâu thôi nhé, đó chính là bước cuối cùng. Trước đó họ còn phải tìm kiếm thông tin từ những báo, đài chính thống và biên tập một lần nữa theo văn phong thời sự;
  • Biên tập viên phóng sự: Biên tập viên lên kịch bản sản xuất một loạt các phóng sự kể về con người, câu chuyện, sản phẩm và cả các sự kiện nóng hổi;
  • Biên tập viên gameshow: Biên tập viên chịu trách nhiệm đánh giá bản quyền gameshow và đề xuất các chương trình ăn khách. Sau đó tiến hành xây dựng format/kịch bản chương trình và tham gia tổ chức sản xuất suốt quá trình ghi hình.
Biên tập viên truyền hình
Biên tập viên truyền hình

2.3. Biên tập viên ngành xuất bản

Khi nói đến sách, biên tập viên được xem như cầu nối giữa tác giả và độc giả. Vì vậy một biên tập viên khi chỉnh sửa bản thảo phải xem xét trên cả hai quan điểm của cả tác giả và độc giả.

Bản thảo có thể phải thay đổi nội dung và độ dài để khiến phù hợp với thị hiếu của khán giả. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nào được thực hiện cũng phải thông qua sự nhất trí của tác giả để họ luôn hài lòng với bản thảo mới.

Khi mọi người nghe về công việc của người biên tập sách, họ thường cho rằng chỉ cần kiểm tra chính tả và ngữ pháp là xong. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Cả trước và sau khi một bản thảo được chọn để xuất bản, biên tập viên có rất nhiều đầu việc phải làm.

Ngoài việc chỉnh sửa nội dung sách để xuất bản, các biên tập viên ngành xuất bản còn chịu trách nhiệm quản lý và thẩm định các loại bản thảo, bản dịch. Đồng thời họ cũng phải tìm hiểu xu hướng thị trường sách cả trong và ngoài nước để xem loại tài liệu nào có khả năng làm hài lòng độc giả nhất và đưa ra đề xuất các tiêu đề có thể thu hút sự chú ý của người đọc.

Biên tập viên cũng chính là người chịu trách nhiệm để đảm bảo sách được xuất bản đúng thời gian đã ấn định.

Biên tập viên xuất bản
Biên tập viên xuất bản

3.  Mức lương của biên tập viên

Đối với biên tập viên part-time, mức lương dao động từ 500,000 đến 2 triệu đồng/tháng.

Còn đối với biên tập viên full-time, người chưa có kinh nghiệm chỉ nhận được mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy mức lương này là hơi thấp, nhưng ở giai đoạn đầu, bạn nên học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng từ các tiền bối hơn là chú trọng vào vấn đề tiền bạc.

Đến khi trở thành biên tập viên có kinh nghiệm, bạn có thể nhận được mức lương dao động từ 7 triệu đến 25 triệu đồng/tháng tùy theo trình độ và kinh nghiệm làm việc. So với mặt bằng chung thì đây cũng không phải là con số thấp.

Chưa kể nếu bạn là biên tập viên truyền hình, nhờ việc được nhiều người biết đến, bạn có thể tăng thu nhập từ nhiều nguồn như dẫn sự kiện, thu voice quảng cáo, dạy học,…

4.  Tố chất cần có của một biên tập viên là gì?

“Hot-girl 7 thứ tiếng” Khánh Vy, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Thụy Vân,…Đó là những cái tên quen thuộc trong đội ngũ biên tập viên của VTV, tuy nhiên điểm chung của họ là không xuất thân từ các trường đại học thuộc khối ngành Truyền thông – Báo chí.

Mặc dù đá chéo sân sang công việc biên tập viên nhưng tại sao họ vẫn thành công không kém những biên tập viên chính quy? Câu trả lời là do họ có tố chất.

Dưới đây là 6 tố chất cần có để trở thành một biên tập viên giỏi, hãy kiểm chứng ngay bây giờ để xem mình có phù hợp với ngành này hay không nhé.

4.1. Khả năng giao tiếp

Khả năng giao tiếp ở đây không chỉ là giao tiếp bằng lời nói mà còn giao tiếp bằng văn bản, tức là bao gồm cả kỹ năng nói tốt và viết tốt. Đây chính là tố chất vô cùng quan trọng mà một biên tập viên giỏi cần phải có.

4.2. Tính tỉ mỉ trong công việc

Khi chỉnh sửa bản thảo, biên tập viên phải rà soát một lượt thật kỹ từ đầu đến cuối để đảm bảo rằng tất cả nội dung bằng văn bản đều đúng chính tả và đúng ngữ pháp. Biên tập viên các bài báo điện tử hoặc bài đăng blog mà để sót lỗi chính tả thì có thể “châm chước” được, chỉ cần đăng nhập WordPress thì admin có thể dễ dàng sửa lại.

Còn đối với biên tập viên báo giấy hoặc sách thì sai chính tả được coi là “hạt sạn” rất lớn, bởi vì nhà xuất bản phải in ấn lại từ đầu. Điều này rất mất thời gian và lãng phí tiền bạc đúng không?

Chưa hết, biên tập viên còn phải trau chuốt lại từng câu từng chữ mà người viết diễn đạt vẫn còn lủng củng, lan man thành cách nói dễ hiểu hơn với độc giả. Do đó, tính tỉ mỉ và cẩn thận là điều không thể thiếu đối với một biên tập viên.

Biên tập viên cần tỉ mỉ
Tính tỉ mỉ, cẩn thận

4.3. Bạn cần là người tâm lý và biết ứng xử

Một biên tập viên giỏi sẽ biết cách cân bằng tâm lý giữa độc giả và tác giả sao cho vừa duy trì lòng trung thành của độc giả, vừa làm hài lòng tác giả.

Để làm được như vậy, biên tập viên phải đặt mình vào vị trí của độc giả để phán đoán xem họ mong chờ điều gì ở sản phẩm này, sau đó đưa ra một vài đề xuất với tác giả.

Nhưng lại có một sự thật là hầu như tác giả nào cũng đều không thích bản thảo của mình bị sửa chữa, biến tấu quá nhiều. Vì vậy, nếu muốn trở thành biên tập viên, cụ thể là làm việc trong ngành xuất bản thì bạn phải là người tâm lý, khéo léo và biết cách ứng xử.

4.4. Luôn có thái độ trách nhiệm cao trong công việc

Không chỉ riêng nghề biên tập viên, cho dù bạn làm nghề nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần có thái độ trách nhiệm cao trong công việc. Bất kể bản thảo nhiều hay ít lỗi, biên tập viên cũng phải đảm bảo hoàn thành công việc theo đúng tiến độ được giao để xuất bản sách/báo đúng thời hạn.

Trách nhiệm cũng thể hiện ở việc tiếp thu ý kiến đóng góp của quản lý và độc giả để mang lại những sản phẩm chất lượng nhất.

Biên tập viên phải có trách nhiệm trong công việc
Trách nhiệm trong công việc

4.5. Biết nắm bắt thời cơ và xu thế

Xã hội luôn luôn thay đổi, vì thế biên tập viên cũng phải thay đổi không ngừng để bắt kịp được những xu thế mới nhất.

Chúng ta có thể thấy, kể từ khi Trung tâm tin tức VTV24 ra đời với đội ngũ biên tập viên trẻ vào cuối năm 2013 đến nay, lượng khán giả theo dõi tin tức tăng lên một cách đáng kể, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ ngày nay tỏ ra vô cùng thích thú khi xem “Chuyển động 24h” nhờ những lần bắt trend và cà khịa đỉnh cao đến từ các biên tập viên xuất sắc của VTV24.

Đó chính là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của tố chất này đối với một biên tập viên. Có lẽ nếu cứ giữ mãi lối truyền tải thông tin trang trọng như “Thời sự” thì “Chuyển động 24h” sẽ không tiếp cận được với lượng lớn khán giả trẻ như vậy.

4.6. Khả năng tư duy sáng tạo và sắp xếp nội dung

Là một biên tập viên, chúng ta phải biết cách sắp xếp và truyền tải thông tin sao cho người đọc, người nghe cảm thấy hứng thú. Vì vậy đặc trưng của nghề này là chúng ta phải sáng tạo không ngừng nghỉ, sáng tạo cả trong tư duy lẫn hành động.

Để khơi dậy khả năng sáng tạo và tạo ra nguồn cảm hứng mới thì cách tốt nhất là nghiên cứu và thử nghiệm thật nhiều, bất kể khi nào bạn có ý tưởng. Đừng bao giờ sợ sai bởi vì sau mỗi cái sai đó, chúng ta lại rút ra được nhiều điều hay ho để áp dụng trong những lần tiếp theo. Dần dần đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận thấy mình có một khả năng tư duy sáng tạo độc nhất vô nhị mà chỉ riêng bạn mới có.

5.  Để trở thành biên tập viên thì học trường nào và ngành nào?

Để trở thành biên tập viên, bạn sẽ cần theo học tại các trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành Báo chí.

Biên tập viên học trường nào

5.1. Khu vực miền Bắc

  • Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội;
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền;
  • Đại học Văn hóa Hà Nội;
  • Học viện Ngoại giao;
  • Học viện công nghệ bưu chính viễn thông;
  • Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên;
  • Đại học Hòa Bình;
  • Cao đẳng truyền hình Hà Nội.

5.2. Khu vực miền Trung

  • Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng;
  • Đại học Khoa học – Đại học Huế;
  • Đại học Vinh;
  • Đại học Nha Trang.

5.3. Khu vực miền Nam

  • Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM;
  • Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM;
  • Đại học Cần Thơ;
  • Cao đẳng phát thanh truyền hình 2.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu công việc cụ thể của nghề biên tập viên là gì và 6 tố chất cần có nếu muốn trở thành biên tập viên. Chắc chắn nghề nào thì cũng có không ít khó khăn cần phải trải qua, nhưng chúng tôi tin rằng chỉ cần bạn có đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê ấy thì những nỗ lực ngày hôm nay của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here