10 điều giúp bạn “sống sót” nơi công sở mà trường đại học chưa bao giờ dạy bạn

0
868

Khi là thời sinh viên bạn có nhiều hoài bão và mong muốn có thể kiến tạo sự nghiệp ước mơ trong tương lai của mình. Nhưng khi đã tốt nghiệp và đi làm, bạn thấy rằng cuộc sống thật sự không như mình mơ ước, hay có thể nói “sự thật giết chết đi mộng mơ” của bạn. Môi trường công sở không đơn giản như môi trường học đường ở đại học. Và  bạn chỉ ước rằng trước khi ra trường bạn biết được 10 điều này để có thể sống sót qua cuộc sống khắc nghiệt này.

1. Cách giao tiếp và nói chuyện với sếp

Ngày xưa, có vấn đề gì trong học tập bạn liền chạy đi kiếm giảng viên của mình để có lời khuyên hay may mắn sẽ có được cả cách giải quyết cho vấn đề của mình. Bên cạnh đó bạn mạnh dạn thể hiện sự thông thái của mình và thản nhiên “sửa lưng” giảng viên khi thấy họ mắc sai lầm.

Nhưng khi rơi vào môi trường công sở, bạn dùng thái độ xưa kia của mình thì lại có kết cục hoàn toàn “bi đát”. Trong công việc, sếp bạn không bao giờ muốn bạn đặt câu hỏi với họ và họ không bao giờ có trách nhiệm là phải đưa ra câu trả lời cho bạn dù có thể họ biết cách giải quyết như thế nào. Điều những người lãnh đạo muốn từ bạn chính là những câu trả lời. Bên cạnh đó thái độ thể hiện sự hiểu biết của mình trước mặt sếp mà không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong công việc thì cũng chính là những hành động thiếu hiểu biết mà các bạn sinh viên mới ra trường hay vấp phải. Chính vì vậy bạn hãy ngừng ngay việc than vãn là sếp làm khó bạn này nọ đi, mà hãy tập trung và học cách tự mang đến câu trả lời cho sếp của mình.

2. Cách giải quyết hay thương lượng một vấn đề cùng với đồng nghiệp

Khi một vấn đề xảy ra bạn cần phải giải quyết và thương lượng cùng với đồng nghiệp của mình. Việc đầu tiên bạn nên làm là bỏ cái tôi của mình trước khi bắt đầu, cũng như đừng bao giờ nghĩ bạn giỏi hơn và những đồng nghiệp khác sẽ nghe theo ý kiến của bạn. Đừng để những suy nghĩ như vậy khiến cho bạn bị cô lập và không thể hoàn thành tốt công việc của mình. Thứ hai, biết xác định rõ ý kiến của mình, biết lắng nghe ý kiến của đồng đội. Thứ ba khôn ngoan chọn lọc những thông tin nào hữu ích và kết hợp được tất cả ý kiến của mọi người để đưa ra được kết quả “đôi bên cùng có lợi”.

3. Cách thể hiện ý kiến cá nhân trong vòng 30s

Hãy bắt đầu tập cách nói tất cả ý tưởng của mình bằng những từ khóa quan trọng, xúc tích và không dông dài trong vòng 30s. Cuộc sống bây giờ thứ quý giá nhất là thời gian, chính vì vậy mọi người sẽ không bao giờ vì bạn mà bỏ ra những giây phút quý giá đó nghe bạn nói dài dòng và không thu được kết quả gì. Ai biết được rằng, một ngày nào đó chỉ với 30s này bạn có thể nắm bắt được cơ hội thăng tiến và thành công trong sự nghiệp của mình.

4. Phải biết tự xác lập mục tiêu cá nhân cho riêng mình

Trong môi trường làm việc không có bất cứ ai sẽ ngồi kế, cầm tay chỉ việc từng thứ một và hướng dẫn chi tiết cho bạn phải làm gì, cần học những gì như thời còn đi học. Bạn hãy tự nhận ra được những kỹ năng mà mình còn thiếu từ đó xác lập ra mục tiêu cho riêng mình và tự chinh phục, học hỏi những kỹ năng đó để hoàn thiện bản thân của mình. Bây giờ sẽ không còn những lớp học, bài tập về nhà hay bạn học cùng tiến nữa mà thực tế bây giờ sẽ là một quá trình bạn sẽ học tập cô đơn, kéo dài chính vì vậy hãy chấp nhận nó ngay từ bây giờ đi.

5. Cách biết cách tự xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình

Đừng nghĩ rằng chỉ cần đẹp hay giỏi mới có thể tạo nên hình tượng thu hút với người khác. Bạn có thể xây dựng cho chính bản thân mình một thương hiệu cá nhân bằng những việc đơn giản như: Cách ăn mặc tại nơi làm việc thật chỉnh chu, để ý từng lời ăn tiếng nói cho phù hợp, thái độ lễ độ với người trên và đúng mực với người dưới (Đừng nghĩ thái độ này thật lỗi thời, nhưng nó thật sự cần thiết ở bất cứ môi trường công sở nào). Bạn hãy tạo cho mình một thương hiệu mà bất cứ ai khi tiếp xúc với bạn cũng cảm thấy thật thoải và sẵn sàng hỗ trợ bạn trong công việc.

6. Cách tồn tại qua được một buổi họp

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào những tiết học nhàm chán bạn có quyền tỏ mọi thái độ như ngáp hay nằm gục trên bàn. Nhưng khi đi làm, chúng ta cũng sẽ có những cuộc họp dai dẳng với những chủ đề hoàn toàn không thấy hứng thú hoặc không liên quan đến mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và bạn vẫn phải đi họp. Chính vì vậy bạn không thể nào tỏ ra thái độ chán chường, buồn ngủ thiếu chuyên nghiệp như vậy trong môi trường công sở. Hãy tập cho mình có một thói quen thật chuyên nghiệp khi tham gia các buổi họp đó là: Mang giấy viết theo, note lại những thứ cần thiết và keyword của buổi họp, xác định mục đích của buổi họp này là gì và bạn sẽ không còn thời gian để nhàm chán cũng như buồn ngủ.

7. Cách tạo ra những cuộc trò chuyện thân mật với đồng nghiệp

Thay vì hằng ngày chỉ nói câu “xin chào” xong và phớt lờ hết mọi thứ xung quanh bạn, thì hãy cố xây dựng thêm nhiều câu hơn trong cuộc trò chuyện của bạn với đồng nghiệp như:”Hôm nay bạn như thế nào rồi?”. Và mở lòng lắng nghe họ nhiều hơn, điều này không những cải thiện được mối quan hệ mà còn giúp ích cho công việc của bạn sau này. “Touch their hearts then open their mind”.

8. Cách thiết lập những mối quan hệ với đồng nghiệp

Cuộc sống đều là những cuộc tranh đấu, ngay cả trong môi trường công sở thì chủ nghĩa cá nhân lúc nào cũng sẽ không được hoan nghênh thậm chí là bị bài trừ. Chính vì vậy có thêm một người bạn sẽ bớt được một kẻ thù, dẹp bỏ mọi cái tôi của bản thân, học cách làm việc cùng mọi người và trong cùng một nhóm và chia sẻ thành tựu cùng mọi người vì nước nổi thuyền sẽ nổi.

9. Cách viết một email gửi trong công việc

Tôi chắc các bạn sẽ cười khi đọc đến mục tựa dư thừa này vì nghĩ rằng thời đại này rồi ai mà chẳng biết viết email và gửi một email. Nhưng thật sự cho thấy rằng các bạn sinh viên mới ra trường đều hoàn toàn không có kỹ năng nào viết được một bức email sao cho thật hoàn chỉnh. Đúng là ai chẳng biết viết mail và gửi mail, nhưng các bạn đều không hề chú ý đến phần trình bày một bức thư điện tử sao cho thật chuyên nghiệp và gọn gàng. Điều này sẽ là một điểm trừ rất lớn trong mắt nhà lãnh đạo khi họ nghĩ nhân viên của mình ngay cả một email cũng làm không xong thì việc họ giao cho bạn, bạn sẽ làm được?

10. Viết báo cáo thế nào cho đúng

Đúng là trong khoảng thời gian mấy năm đại học, bạn đã làm hàng chục cái báo cáo với hàng trăm trang giấy khác nhau. Nhưng khi đi làm sếp cần bạn báo cáo một dự án gì đó đầy đủ thông tin mà chỉ trong vỏn vẹn vài trang giấy ngắn ngủi. Bạn cảm thấy đau đầu vì làm sao có thể rút được mọi thứ của một dự án trong vài trang giấy. Điều đó có thể được, khi bạn biết chắc lọc những thông tin cần thiết kết hợp với hình ảnh và bỏ qua những thông tin không cần thiết như là định nghĩa này nọ. Sếp sẽ thừa biết những thứ bạn đang nói là gì, và họ cần bạn thông báo những thông tin tiến độ cũng như kết quả của dự án, chứ không cần bạn giải thích hay định nghĩa đó là gì.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here