THUYẾT CON NHÍM – CÁCH LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP LÝ TƯỞNG

0
3731

Nếu được quyền lựa chọn, bạn sẽ chọn trở thành cáo hay một con nhím?

Nhiều người sau khi nghe câu hỏi này đã không ngần ngại chọn cáo. Vì tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy được cáo là loài vật xinh đẹp, kiều diễm và mưu mẹo. Ngược lại, nhím là con vật nhỏ bé, có phần chậm chạp và không mưu mẹo như cáo. Vậy, cáo và nhím có liên quan gì đến việc phát triển bản thân của bạn? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

THUYẾT CON NHÍM LÀ GÌ?

Thuyết con nhím (The Hedgehog Concept) bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại, với ý nghĩa rằng: “Con cáo thì biết nhiều thứ, còn nhím thì chỉ biết một thứ nhưng nó hiểu rõ về điểm mạnh của bản thân.” Con cáo luôn tìm đủ mọi cách để tấn công con nhím, khi thì lẩn trốn, khi lại rượt đuổi nhím. Kết quả là, hết lần này đến lần khác, cáo đều bị nhím đánh bại, thân hình chi chít gai nhọn. Mỗi lần như vậy, nhím chỉ cần làm một việc mà nó giỏi nhất: đó chính là thu mình lại và phóng gai tự vệ. Câu chuyện ngụ ngôn như một bài học về cuộc sống, tìm và làm điều mà chúng ta giỏi nhất, tập trung vào điểm mạnh của bản thân sẽ giúp cho bạn có được lợi thế hơn so với những người khác và có cơ hội chiến thắng dễ dàng hơn. 

Philosopher Isaiah Berlin đã thông qua bài luận “Nhím và Cáo” (The Hedgehog and the Fox) của mình năm 1953, đưa câu chuyện ngụ ngôn này vào cuộc sống hiện đại. Berlin chia mọi người làm hai loại: cáo và nhím. Ông cho rằng cáo theo đuổi quá nhiều mục tiêu và lợi ích cùng một lúc, dẫn đến kết cục là suy nghĩ của những người “cáo” thường bị phân tán, không tập trung, do đó, họ thường không đạt được các mục tiêu đề ra. Mặt khác, những người “nhím” lại đơn giản hóa vấn đề, có tầm nhìn bao quát và tập trung, nhờ vậy mà họ thường xuyên đạt được mục tiêu đã đề ra. 

Thuyết con nhím lần đầu tiên được công bố vào năm 2001, được Jim Collins phát triển và hoàn thiện trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great) – 1 trong 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes. Collins cho rằng một người sẽ dễ dàng đạt được thành công khi họ tập trung vào điểm mạnh của mình. 

ÁP DỤNG THUYẾT CON NHÍM ĐỂ LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP

Thuyết con nhím là sự hội tụ giữa 3 yếu tố: 

  1. Điều bạn thật sự thích 

  2. Điều bạn giỏi nhất

  3. Điều xã hội cần

Điểm giao thoa giữa 3 yếu tố này chính là nghề nghiệp lý tưởng mà bạn nên theo đuổi.

  • ĐIỀU BẠN THẬT SỰ THÍCH

Để áp dụng được thuyết con nhím vào việc lựa chọn nghề nghiệp của mình, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm và xác định được bạn đam mê điều gì, bạn thật sự thích gì. Việc đơn giản nhất bạn có thể làm để xác định được đam mê của mình đó là tự hỏi chính bản thân mình. Nghe có vẻ buồn cười nhưng khi suy xét kỹ thì người hiểu rõ bản thân mình nhất chính là mình. Hãy dành một ít thời gian tự đặt câu hỏi và trò chuyện với chính mình, bạn có thể bắt đầu với các câu hỏi như: Mình thích học môn nào nhất ở trường, mình có sở thích hay đam mê trong lĩnh vực nào,… Hay đơn giản hơn chỉ là việc để ý các hành động của bản thân đối với công việc hiện tại: bạn có thích công việc hiện tại của mình hay không, bạn có cảm thấy chán nản khi đi làm hay không,… Hãy thành thật với chính mình để tìm được câu trả lời chính xác nhất.

  • ĐIỀU BẠN GIỎI NHẤT

Ngoài việc tìm được những gì bạn có thể làm tốt nhất trên thế giới, điều quan trọng không kém là bạn hiểu được điều bạn không thể làm tốt nhất. Việc đặt ra mục tiêu, hoạch định chiến lược để trở thành người giỏi nhất không đồng nghĩa với việc bạn biết được điều mình giỏi nhất. Để xác định được điều bạn giỏi nhất, bạn có thể đánh giá dựa trên các yếu tố khách quan như điểm các môn học trên trường hay tham khảo các lời nhận xét của những người xung quanh. Ngoài ra, bạn có thể tham gia thực hiện các bài kiểm tra đánh giá năng lực, các bài kiểm tra tính cách để tìm hiểu thêm về bản thân và xác định được thứ mà mình giỏi nhất.

  • ĐIỀU XÃ HỘI CẦN

Cho dù có đam mê hay năng lực về lĩnh vực gì, thì lựa chọn nghề nghiệp của bạn cũng cần phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Hay nói cách khác, ngoài chuyện xác định đam mê và năng lực của mình, chúng ta cũng nên cập nhật thường xuyên xu hướng về nghề nghiệp trong xã hội, để có cái nhìn thực tế hơn. Bởi vì, những gì bạn giỏi lại chưa chắc là những gì xã hội cần.

  • ĐIỂM GIAO THOA – NGHỀ NGHIỆP LÝ TƯỞNG

 Khi đã hoàn thành được ba vòng tròn nêu trên, bây giờ là bước quan trọng nhất trong Thuyết con nhím. 

Chẳng hạn, theo ví dụ đã đề cập ở trên, nếu bạn tính nhẩm nhanh, và hay được điểm cao trong môn toán, bạn có thể theo một trong các ngành như kiểm toán, kế toán, phân tích tài chính… Hiện tại, nghề phân tích tài chính đang có xu hướng đi lên khi ngày càng nhiều công ty cần nhân sự phân tích và tối ưu tài chính doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường hiện đã thừa nhân lực về kế toán, kiểm toán. Vậy nên, nghề phân tích tài chính là nghề nghiệp thích hợp cho bạn và giúp bạn giảm được sự cạnh tranh, cũng như tăng cơ hội phát triển sự nghiệp.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được điểm giao thoa phù hợp. Chẳng hạn như bạn đam mê tìm hiểu về lịch sử và có kết quả học tập khá cao cho môn này. Thế nhưng, các ngành về lịch sử lại có rất ít cơ hội việc làm và có nhu cầu nhân sự không cao. Trong trường hợp này, thay vì làm nhà sử học, bạn có thể linh hoạt tham khảo các ngành có liên quan đến lịch sử như làm về văn hoá trong các tổ chức phi chính phủ. Các vị trí về lịch sử – văn hóa trong tổ chức phi chính phủ sẽ giúp bạn tiếp cận được nhiều cơ hội hơn trong tương lai, mà vẫn thỏa mãn sở thích ban đầu của mình.

Thuyết con nhím là một học thuyết có tính ứng dụng khá cao, giúp bạn chọn ra nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực của mình, cũng như đòi hỏi của xã hội. Tất nhiên, chỉ sử dụng riêng học thuyết này là chưa đủ. Các bạn còn cần dựa trên nhiều phương pháp khác để đưa ra quyết định đúng đắn về nghề nghiệp cũng như con đường học vấn, sự nghiệp của mình sau này.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here