Thất bại là gì? Làm sao để đối đầu và vượt qua thất bại trong cuộc sống?

0
2135

Thất bại là gì? Thất bại có thực sự đáng sợ hay không? Nếu bạn vừa trải qua một thất bại nào đó và vô tình nhìn thấy bài viết này, hãy đọc kỹ những gì chúng tôi muốn truyền tải. Bài viết này sẽ đem lại cho bạn cái nhìn tích cực hơn ngay cả khi chúng ta gặp thất bại.

Xem thêm:

Thất bại là gì?

1. Thất bại là gì? 

Theo định nghĩa trong các từ điển thì thất bại là trạng thái khi con người không thể thực hiện được điều mà mình mong muốn. 

Tuy nhiên đó là xét trên góc độ học thuật, với tôi, người không biết cố gắng mới là kẻ thất bại. Đôi khi chúng ta đã cố gắng 200% công sức, nhưng còn vì nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động khiến chúng ta không đạt được những thứ như mong muốn. Như vậy thì không thể coi là thất bại, đó chỉ là chướng ngại vật để thử thách lòng kiên trì mà thôi.

2. Tại sao chúng ta lại gặp thất bại? 

Không ai muốn đối mặt với thất bại của mình, nhưng điều đó là cần thiết nếu bạn muốn tìm ra hướng giải quyết mới. Khi bạn biết lý do khiến bạn thất bại hết lần này đến lần khác, bạn sẽ nhận ra được điều gì đó khác biệt. 

Thất bại có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng dưới đây là 5 trong số những trở ngại phổ biến nhất dẫn đến thành công, gồm có:

2.1. Không có mục tiêu, khát vọng rõ ràng 

Sống mà không có mục tiêu thật sự là một điều vô cùng nguy hiểm. Nó chính là nguyên nhân khiến cho bạn không bao giờ có thể thành công trong cuộc sống.

Thật đáng buồn là nhiều bạn trẻ thời nay khi được hỏi về mục đích sống thì lại bối rối và không biết trả lời như thế nào. Không ai đánh thuế giấc mơ nhưng nếu như một điều cơ bản nhất là mục tiêu phấn đấu cũng không có thì các bạn chính là kẻ thất bại từ trong suy nghĩ luôn rồi.

Không có mục tiêu rõ ràng

2.2. Thiếu niềm tin vào bản thân 

Niềm tin là nền tảng của mọi thứ trong cuộc sống. Chỉ cần bạn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân, cộng thêm sự cố gắng và may mắn, chắc chắn bạn có thể làm được những điều kỳ tích mà không bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể làm được.

Nếu bạn không tin vào bản thân, bạn đang trực tiếp đạp đổ những nỗ lực của mình và lại tiếp tục hụt ​​hẫng. Hành động thất bại là kết quả không có gì bất ngờ. Khi đó vòng tròn luẩn quẩn lại tiếp diễn, bạn sẽ lại càng đi vào ngõ cụt và nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được thành công.  

2.3. Thất bại vì chính nỗi sợ thất bại 

Bạn nên nhớ một điều trên con đường tới thành công sẽ có rất nhiều điểm dừng của thất bại. Người xưa có câu “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Bạn không thất bại ở lĩnh vực này thì sẽ gặp thất bại ở lĩnh vực khác, càng sợ thất bại thì lại càng kéo theo nhiều thất bại.

Cách tốt nhất để thoát khỏi nỗi sợ hãi này là chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức và một ý chí quyết tâm. Và ngay cả khi bạn gặp thất bại, hãy chấp nhận và đón nhận một số bài học từ nó. Hãy coi thất bại như một kim chỉ nam để dẫn đến thành công, nỗi sợ hãi của bạn chắc chắn sẽ biến mất.

2.4. Thiếu ý chí, kiên trì, lòng quyết tâm 

Nhiều người thất bại không phải vì họ thiếu kiến ​​thức hay tài năng mà vì họ không đủ quyết tâm. Điều quan trọng cần nhớ nếu muốn thành công là sự kiên trì. 

Không có thành công nào đến nhanh chóng và dễ dàng. Mỗi ngày trên thế giới này đều có những người làm được những điều mà chính họ cũng nghĩ mình không thể. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao điều này lại xảy ra chưa? Câu trả lời rất đơn giản, vì họ không bỏ cuộc. Ngay cả khi khó khăn chồng chất khó khăn, họ vẫn kiên trì với điều mà họ đang làm.

Vì sao chúng ta thất bại

Nếu bạn từ bỏ ngay khoảnh khắc gặp phải thử thách, bạn đã nuôi dưỡng tâm lý của kẻ thất bại. Những người như vậy nhảy từ việc này sang việc khác với hy vọng rằng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, tâm lý của người thành công thì lại biến mọi thất bại thành cơ hội để trưởng thành. Đến một lúc đó nào đó thì thất bại cũng chẳng đáng sợ chút nào nữa.

Người ta có câu “Khi nào muốn từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do mà bạn bắt đầu”. Làm việc gì cũng thế, sự kiên trì là vô cùng quan trọng. Nếu bạn mới chỉ gặp một chút khó khăn mà đã từ bỏ giữa chừng thì coi như công sức trước đó của bạn đều đổ sông đổ bể.

2.5. Thiếu tinh thần học hỏi để hoàn thiện bản thân 

Một số người cho rằng hoàn cảnh là nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ. Có nhiều người lại coi sự bất hạnh của họ là một yếu tố dẫn đến thất bại. Có rất ít người tự nhận lỗi cho những thiếu sót của bản thân đối với thất bại của họ. Thất bại là chuyện rất bình thường nhưng nếu chúng ta học được từ thất bại, nó có thể trở thành kim chỉ nam lớn nhất cho sự thành công trong tương lai.

3. Những giá trị mà thất bại mang đến cho cuộc sống mỗi người 

Chúng ta không có khả năng biết trước được thất bại, nhưng chúng ta có thể biến mình trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình từ những thất bại ấy. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thất bại không hẳn là một điều xấu hổ và tất cả chúng ta có thể đón nhận những giá trị to lớn mà nó đem lại ở một góc nhìn khác lạc quan hơn.

3.1. Thất bại giúp bạn trưởng thành hơn và tăng nhận thức về môi trường thực tiễn 

Thất bại là yếu tố khởi đầu cho sự thay đổi và từ đó dẫn đến sự tiến bộ. Hãy lấy một ví dụ cụ thể về một đứa trẻ đang tập đi. Nó sẽ phải ngã rất nhiều lần, đôi khi bị sứt đầu mẻ trán thì mới có thể chập chững đi được. Mỗi lần vấp ngã đều dạy cho trẻ biết cách kiểm soát cân bằng. Như vậy thất bại ở đây giúp cho đứa bé ngày càng tiến bộ hơn.

Thất bại giúp bạn trưởng thành hơn

Còn đối với người lớn, bằng cách học hỏi từ những sai lầm của mình, chúng ta có thể tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Bằng cách đó, bạn thậm chí có thể lường trước được những trở ngại trong tương lai, từ đó có thể chuẩn bị phương án tốt nhất để đối mặt với chúng.

Sau này, cho dù bạn có thể gặp phải những khó khăn mới, nhưng kinh nghiệm thu được sẽ cho phép bạn vượt qua chúng dễ dàng hơn. Từng chút một, chúng ta sẽ biến những thất bại này thành tài sản và chúng sẽ giúp chúng ta phát triển, tiến gần hơn đến mục tiêu và nắm được chìa khóa thành công.

Hơn nữa, trong lĩnh vực khoa học, thất bại thậm chí còn là lời giải cho một giả thuyết nào đó và chuyển hướng nghiên cứu sang một hướng khác.

3.2. Thất bại giúp bạn nhận ra cái giá của lao động 

Lao động là quá trình hoạt động bằng chân tay, trí óc hoặc kết hợp cả hai để có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chính đáng của con người. 

Sau thất bại, bạn sẽ lại càng thấm thía hơn những gì mà mình đã phải trải qua, từ đó biết quý trọng giá trị của lao động. Lúc này, thất bại trở thành động lực để chúng ta phấn đấu nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu trong tâm thế quyết tâm cao độ.

3.3. Thất bại giúp bạn rèn luyện tính kiên định, bền bỉ 

Winston Churchill đã nói rằng: “Thành công là đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết”. Trên thực tế, chúng ta phải ghi nhớ rằng thất bại còn lâu mới kết thúc, nhưng để tiến về phía trước, chúng ta phải chấp nhận khả năng thất bại. Cứ kiên trì với lý tưởng của mình thì một ngày nào đó trong tương lai, chắc chắn trái ngọt sẽ đến với bạn.

4. Lắng nghe câu chuyện từ những người đã từng thất bại 

Tất cả những nhà bác học, nhà tỷ phú nổi tiếng thế giới mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng nghe tên thì đều phải trải qua thất bại rồi mới thành công được như ngày hôm nay. Thậm chí thất bại của họ còn nhiều gấp chục lần so với chúng ta, thế mà họ vẫn tỏa sáng và lưu danh sử sách. Dưới đây là vài câu chuyện từ những người đã từng thất bại có thể truyền cảm hứng cho bạn đấy.

4.1. Thomas Edison

Edison là nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử với phát minh ra bóng đèn điện. Và để cho ra thành quả đó, ông đã phải thử nghiệm hơn 10.000 thí nghiệm với vô vàn các vật liệu khác nhau nhưng chưa thành công.  Cuối cùng ông cũng đã tìm ra Wolfram mà bây giờ bóng đèn chúng ta đang dùng thời nay cũng sử dụng vật liệu này.

Khi được hỏi về hàng nghìn lần thất bại trong quá trình nghiên cứu tạo ra bóng đèn, Edison còn nói rằng: “Tôi không thất bại. Tôi vừa tìm ra 10.000 cách không hiệu quả”.

Câu chuyện thất bại của Thomas Edison

4.2. Walt Disney

Khi Disney mới 22 tuổi, ông đã bị một biên tập viên sa thải vì cho rằng ông “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay”. 

Sau khi bị sa thải, Disney mua lại xưởng hoạt hình đầu tiên Laugh-O-Gram rồi cuối cùng bị phá sản. Chỉ với 40$ trong túi, ông lên đường đến Los Angeles và cuối cùng ông đã tạo ra chuột Mickey cùng hàng loạt nhân vật hoạt hình nổi tiếng khác. Ngày nay, công ty Walt Disney có trị giá 95,79 tỷ $ và đã giành được vô số giải thưởng.

4.3. Đại tá Harland David Sanders 

Trước khi tạo ra một trong những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới KFC, đại tá Harland David Sanders đã bị sa thải hàng tá lần. Thậm chí sau khi chiến tranh kết thúc, ông cố gắng nhượng quyền nhà hàng và công thức bí mật tên là “Kentucky Fried Chicken” nhưng cũng bị từ chối 1.009 lần. Sau nhiều năm thất bại và không may mắn, Sanders cuối cùng đã thành công lớn. KFC mở rộng ra quốc tế và ông đã bán công ty với giá hai triệu đô la (15,3 triệu đô la ngày nay).

Đại tá Harland David Sanders

4.4. Albert Einstein 

Thời còn trẻ, Einstein đã cố gắng thi vào Zurich Polytechnic, nhưng lại trượt mặc dù điểm toán và vật lý rất tốt. Sau đó ông có nộp đơn vào Zurich Polytechnic một lần nữa và tất nhiên là đã được chấp nhận.

Vài năm sau, ông có bằng Tiến sĩ. và được công nhận là một nhà lý luận hàng đầu. Vài năm sau đó, ông đã nhận được giải Nobel vật lý và bắt đầu được công nhận là thiên tài của kỷ nguyên hiện đại.

Albert Einstein

4.5. Steve Jobs

Thất bại nổi tiếng nhất là Steve Jobs bị sa thải khỏi công ty do ông tạo ra sau một cuộc tranh cãi với ban giám đốc tại Apple. Jobs nói rằng việc sa thải đã giúp ông bước vào thời kỳ sáng tạo dẫn đến việc mua lại hãng phim hoạt hình Pixar.

Năm 1997, Steve Jobs quay trở lại Apple và tiếp tục phát minh ra một số công nghệ vĩ đại nhất của công ty như iPod, Macbook, iPad, bộ chuyển đổi nguồn và tất nhiên là iPhone. Khi Jobs qua đời vào năm 2011, giá trị tài sản ròng của ông ước tính khoảng 10,2 tỷ USD .

Steve-Jobs

5. Cách để vượt qua sự thất bại

Dưới đây là một vài cách giúp bạn có thể bước qua thất bại và làm lại cuộc đời mình.

5.1. Xây dựng thói quen lành mạnh để duy trì sức khỏe

Đi dạo, tập thể dục, gặp gỡ gia đình và bạn bè,… làm bất cứ thứ gì giúp đầu óc bạn tỉnh táo và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. 

Hãy lập danh sách các thói quen hoặc hoạt động lành mạnh mà bạn có thể yêu thích và cố gắng thực hành một cách thường xuyên. Biết đâu, một trong những thói quen lành mạnh này thậm chí có thể là bí quyết thành công của bạn!

5.2. Chấp nhận sai lầm

Giả vờ rằng thất bại không xảy ra hoặc bỏ qua lý do thực sự đằng sau lý do tại sao bị thất bại là những điều phản tác dụng và bạn sẽ không bao giờ bước ra khỏi nó. Tương tự như vậy, việc gánh vác quá nhiều trách nhiệm về phía mình có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn và tạo ra căng thẳng không cần thiết. 

Hãy vượt ra khỏi vùng an toàn của bạn và khám phá những con đường mới. Khi bạn tiến lên phía trước, bạn sẽ nhận ra rằng thất bại đơn giản là một phần của cuộc sống. Đồng thời cố gắng tìm hiểu chính xác lý do tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy, chấp nhận bất kỳ sai lầm nào mà bạn đã mắc phải và tập trung ghi lại kinh nghiệm quý báu này. Bạn càng coi thất bại là cơ hội học tập càng sớm thì bạn càng sớm phát huy hết tiềm năng của mình.

5.3. Lập kế hoạch học tập cho thời gian tới

Nhiều người cảm thấy chán nản sau khi thất bại, trong khi nhiều người khác lại coi thất bại như một cơ hội để học hỏi và cải thiện bản thân. Bạn phù hợp với chỗ nào? Bạn đã mắc phải những sai lầm nào? Bạn đang thiếu kiến thức ở những lĩnh vực nào? Bằng cách đào sâu và tìm hiểu về bản thân, bạn có thể biến thất bại thành bài học cuộc sống quý giá và sử dụng kiến ​​thức thu được để đạt được mục tiêu của mình.

Không có ai mà không phải trải qua thất bại trong cuộc đời mình. Đừng mãi chìm đắm trong cảm giác thất bại, cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ bạn học hỏi và khám phá. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn mới về thất bại và được tiếp thêm tự tin nhé.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here