Mục lục
- 1/ Thủ tục hồ sơ xin việc bao gồm những giấy tờ gì?
- 2/ Cách viết hồ sơ xin việc chuẩn
- 2.1 Sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương
- 2.2 Đơn xin việc
- 2.3 CV xin việc
- 2.4 Sổ hộ khẩu (bản sao công chứng)
- 2.5 Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (bản sao công chứng)
- 2.6 Giấy khai sinh (bản sao công chứng)
- 2.7 Giấy khám sức khỏe (dưới 6 tháng)
- 2.8 Bằng cấp, chứng chỉ liên quan (nếu có)
- 2.9 Ảnh thẻ ( 3×4 hoặc 4×6)
- 3/ Những lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin việc
Hồ sơ xin việc chính là tài liệu bắt buộc quan trọng để nhà tuyển dụng có thể đánh giá và phân loại các ứng viên. Vì vậy việc chuẩn bị đầy đủ các tài liệu quan trọng chắc chắn có thể làm tăng tỷ lệ thành công trong buổi phỏng vấn. Vậy mẫu hồ sơ xin việc gồm những gì?. Hãy dành ra vài phút để tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Bạn có thể quan tâm:
- Viết CV xin việc như thế nào cho đúng chuẩn?
- CV là gì? Những lưu ý khi viết CV xin việc thành công
1/ Thủ tục hồ sơ xin việc bao gồm những giấy tờ gì?
Một số công ty sẽ liệt kê một danh sách các tài liệu mà ứng viên cần phải nộp trong email hẹn lịch phỏng vấn. Còn nếu công ty không nói gì đến thủ tục này, bạn cần phải tự chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc chuẩn chỉnh, bao gồm:
- Sơ yếu lý lịch tự thuật có dán ảnh chân dung 4×6 và phải được UBND xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận;
- Đơn xin việc;
- Bản photo công chứng giấy khai sinh và căn cước công dân;
- CV xin việc;
- Giấy khám sức khỏe (hạn không quá 6 tháng);
- Ảnh chân dung;
- Bản photo công chứng các loại bằng cấp, chứng chỉ (nếu có).
2/ Cách viết hồ sơ xin việc chuẩn
Mỗi ngày, phòng hành chính nhân sự một công ty sẽ phải đọc và duyệt hàng chục bộ hồ sơ xin việc của ứng viên. Do đó, bạn cần phải biết cách viết hồ sơ xin việc sao cho đúng, đủ và rõ ràng thì mới gây được sự chú ý chỉ trong vài giây đầu tiên. Những bạn sinh viên lần đầu đi xin việc nhất định phải nắm rõ cách viết hồ sơ xin việc chuẩn dưới đây nhé:
2.1 Sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương
Đầu tiên bạn cần ra tiệm tạp hóa, hiệu sách hoặc cửa hàng văn phòng phẩm và hỏi mua một bộ “hồ sơ xin việc” với giá dao động từ 5-10k. Bên trong bộ hồ sơ này sẽ có sơ yếu lý lịch tự thuật. Công việc của bạn là điền đúng và đủ thông tin bên trong tờ khai gồm:
- Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày sinh, nguyên quán, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, ngày nhập/xuất ngũ (nếu có);
- Thông tin gia đình: Ghi rõ tên, tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp và trình độ chính trị của từng thành viên trong gia đình. Nếu đã kết hôn phải ghi thêm thông tin của vợ/chồng;
- Quá trình hoạt động của bản thân: Ghi rõ thời gian, chức vụ, trụ sở của nơi công tác;
- Khen thưởng và kỷ luật (nếu có).
Đừng quên dán ảnh chân dung 4×6 ở tờ đầu tiên và đem theo sổ hộ khẩu, căn cước công dân lên xã/phường/thị trấn xin xác nhận.
2.2 Đơn xin việc
Đơn xin việc in sẵn theo mẫu của nhà nước cũng đã có sẵn trong bộ hồ sơ xin việc mà bạn vừa mua. Bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin của mình vào những chỗ trống và đem lên cơ quan xã/phường/thị trấn xin đóng dấu là được.
2.3 CV xin việc
CV là một bản tóm tắt thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc của ứng viên có liên quan đến lĩnh vực công việc mà bạn đang ứng tuyển. Nó cũng nêu bật những thành tích và kỹ năng thể hiện mức độ phù hợp của bạn với công việc đó.
Có thể nói CV là tài liệu quan trọng nhất trong số các tài liệu cần chuẩn bị trong bộ hồ sơ xin việc. Nhà tuyển dụng đầu tiên sẽ nhìn vào CV của ứng viên để đánh giá sơ bộ và sàng lọc trong những vòng tiếp theo.
Một bản CV xin việc gồm 6 phần:
- Thông tin ứng viên: Họ tên, Ngày sinh, Số điện thoại, Địa chỉ nơi ở, Email và chèn ảnh chân dung chính diện. Riêng về địa chỉ email cần phải nghiêm túc, không đặt tên dễ thương kiểu như cobengokngheck@gmail.com. Nếu như email hiện tại rơi vào trường hợp như vậy, bạn cần lập một email mới dành riêng cho công việc, ví dụ như vuthuylinh.work@gmail.com;
- Mục tiêu nghề nghiệp: Nhà tuyển dụng thường có cái nhìn tốt đối với ứng viên biết vạch sẵn mục tiêu rõ ràng cho công việc. Phần này bạn nên viết mục tiêu liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển, có thể chia thành 2 phần gồm mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
- Trình độ học vấn: Cần nêu rõ năm nhập học, năm tốt nghiệp, tên trường đại học/cao đẳng, hệ đào tạo, ngành học, điểm trung bình học tập (GPA). Tất nhiên nếu bạn xuất sắc giành được học bổng hoặc tự nghiên cứu khoa học đã được trường cấp chứng nhận thì nên đưa vào CV để tăng thêm ấn tượng.
- Kinh nghiệm làm việc: Nêu rõ tên công ty, vị trí làm việc và mô tả ngắn gọn về công việc chính. Thứ tự sắp xếp kinh nghiệm làm việc là công việc gần nhất sẽ cho lên đầu tiên. Nếu trong quá trình làm việc tại công ty cũ, bạn đạt được thành tựu gì thì nhất định nên thêm vào mục này. Nhà tuyển dụng thường ưu tiên những bản CV có nhiều con số, cho nên sẽ tốt hơn nếu bạn đưa ra được những thành tựu bạn đã đạt được thể hiện bằng số liệu cụ thể. Tuy nhiên bạn nên lưu ý chỉ nêu kinh nghiệm làm việc có liên quan tới vị trí ứng tuyển, tránh liệt kê quá dài dòng khiến nhà tuyển dụng phải “đãi cát tìm vàng”.
- Hoạt động ngoại khóa: Chỉ cần nêu các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện mà bạn từng tham gia. Ví dụ như Thanh niên tình nguyện, hiến máu,… Những sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc thì cần cố gắng làm nổi bật mục này để chiếm ưu thế.
- Kỹ năng: Kỹ năng tin học văn phòng, Khả năng ngoại ngữ, Kỹ năng chuyên môn (chỉnh sửa ảnh, edit video, lập trình, …).
2.4 Sổ hộ khẩu (bản sao công chứng)
Các công ty thường không yêu cầu gắt tài liệu sổ hộ khẩu ở giai đoạn phỏng vấn và sàng lọc ứng viên. Nhưng khi bạn đã trở thành nhân viên chính thức thì sẽ cần phải bản photo công chứng nộp sổ hộ khẩu.
2.5 Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (bản sao công chứng)
Bản sao công chứng được chấp nhận trong thời gian không quá 6 tháng so với thời điểm được đóng dấu xác nhận.
2.6 Giấy khai sinh (bản sao công chứng)
Nhà tuyển dụng cần ứng viên nộp bản sao giấy khai sinh để xác định lý lịch, đồng thời đối chiếu lại với các thông tin mà ứng viên đã nêu.
2.7 Giấy khám sức khỏe (dưới 6 tháng)
Các công ty sẽ chấp nhận các loại giấy khám sức khỏe đã được đóng dấu xác nhận tại các cơ sở y tế công.
Giấy khám sức khỏe là tài liệu chứng minh cho công ty thấy bạn hoàn toàn khỏe mạnh để tiếp nhận công việc và không bị mắc bệnh lây nhiễm.
2.8 Bằng cấp, chứng chỉ liên quan (nếu có)
Đây là tài liệu bắt buộc đối với một số vị trí ứng tuyển yêu cầu tính học thuật cao như bác sĩ, giảng viên,… Đồng thời cũng là minh chứng cho thấy các thành tích mà ứng viên đã nêu trong CV là hoàn toàn chính xác.
Các loại bằng cấp, chứng chỉ này thường được nộp lại dưới dạng bản photo công chứng. Mỗi ngành sẽ có những loại chứng chỉ đặc thù khác nhau. Một số loại bằng cấp phổ biến gồm có:
- Bằng tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng/Trung cấp/THPT/THCS;
- Chứng chỉ ngoại ngữ (TOEIC, IELTS, TOEFL, HSK, N1 đến N5,…);
- Chứng chỉ tin học;
- Chứng nhận nghiên cứu khoa học;
- Chứng chỉ hành nghề;…
2.9 Ảnh thẻ ( 3×4 hoặc 4×6)
Ngoài việc dán ảnh thẻ 4×6 trên sơ yếu lý lịch tự thuật thì các công ty cũng sẽ yêu cầu ứng viên nộp thêm ảnh chân dung để làm hồ sơ nhân viên nếu như trúng tuyển.
3/ Những lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin việc
Ngoài việc tìm hiểu hồ sơ xin việc cần gì, để bộ hồ sơ xin việc của bạn có tính chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng, nhất định phải nắm rõ bộ quy tắc “bất thành văn” dưới đây:
3.1. Không được viết sai chính tả
Một bản hồ sơ xin việc chỉ cần một lỗi nhỏ sai chính tả sẽ thể hiện ứng viên là người cẩu thả và kém chuyên nghiệp. Những nhà tuyển dụng khó tính còn có thể cho rằng ứng viên chẳng “mặn mà” lắm với vị trí này. Vì vậy, hãy thật chỉn chu trong từng câu chữ và nhớ soát lỗi chính tả trước khi nộp hồ sơ xin việc nhé.
3.2. Thông tin trung thực, có dẫn chứng kèm theo
Hiện nay rất nhiều ứng viên đi ứng tuyển “nổ” kinh nghiệm ứng tuyển. Chẳng hạn như bạn vào làm ở công ty A chỉ có 2 tháng, nhưng trong CV đi ứng tuyển ở công ty B thì bạn lại ghi có kinh nghiệm làm việc ở công ty A 1 năm. Vì vậy, bộ phận nhân sự của nhà tuyển dụng rất đánh giá cao các ứng viên nêu rõ thông tin người tham chiếu ở công ty cũ để chứng minh tính chính xác.
3.3. Tham khảo cách viết CV chuyên nghiệp từ người có kinh nghiệm
Nếu bạn không tự tin lắm với khả năng viết CV của mình, không sao, bạn hãy tham khảo cách viết CV chuyên nghiệp của vị trí tương đương. Chẳng hạn bạn đang cần viết hồ sơ xin việc cho vị trí Content Creator tại một Agency, bạn search google “Mẫu CV chuẩn cho nhân viên Content Creator” và tham khảo những bài viết liên quan.
Hy vọng với các hướng dẫn về thủ tục hồ sơ xin việc mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn biết được bộ hồ sơ xin việc gồm những gì để tự tin hơn trong công tác chuẩn bị. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm:
- Khối b gồm những ngành nào? Môn nào? Các ngành khối B “hot” nhất hiện nay
- 5 Mẫu giấy xác nhận công tác mới nhất, chuẩn nhất
Source: Jobtest