Hướng dẫn đầy đủ cách viết báo cáo thực tập cho sinh viên

0
6466

Báo cáo thực tập là tiêu chí bắt buộc sau khi sinh viên kết thúc kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Tuy nhiên bạn đã nắm được cách viết báo cáo thực tập để đạt điểm A chưa? Nếu chưa, hãy đọc kỹ những nội dung cơ bản và kinh nghiệm làm báo cáo thực tập trong bài viết dưới đây nhé.

Cách viết báo cáo thực tập

1. Cấu trúc của một bài viết báo cáo thực tập

Cấu trúc được quy định chung đối với một bài báo cáo thực tập gồm 2 phần: Phần bìa và phần nội dung.

Phần bìa 

Phần bìa gồm bìa chính và bìa phụ. Giữa bìa chính và bìa phụ có thể còn có bìa lót. Bìa lót là một trang giấy trắng, chỉ in tên đề tài báo cáo thực tập.

Trang bìa chính sẽ được in bằng giấy bìa cứng A4, có màu trắng hoặc in màu đều được. Tuy nhiên bạn không nên chọn màu sắc nổi bật như đỏ, cam, tím,…

Cấu trúc của cả bìa chính và bìa phụ phải đầy đủ các thông tin gồm:

  • Tên trường, tên khoa (ghi ở trên cùng của bìa);
  • Logo trường;
  • Báo cáo thực tập tốt nghiệp (viết hoa in đậm và in bằng chữ lớn);
  • Tên đơn vị thực tập (nếu công ty có nhiều chi nhánh thì phải ghi kèm tên chi nhánh);
  • Giảng viên hướng dẫn (ghi rõ học vị và họ tên);
  • Sinh viên thực hiện (ghi rõ họ và tên);
  • Mã sinh viên;
  • Lớp;
  • Địa điểm, thời gian hoàn thành báo cáo (ví dụ: Hà Nội, 2022);

Mẫu báo cáo thực tập

Phần nội dung

Nội dung chính của báo cáo thực tập tốt nghiệp (từ Lời mở đầu cho đến Kết luận) giới hạn trong khoảng từ 23 đến 25 trang là hợp lý nhất, bao gồm:

  • Lời cảm ơn;
  • Nhận xét, đánh giá (trang này chỉ dành riêng cho giảng viên hướng dẫn);
  • Danh mục các bảng biểu, hình vẽ;
  • Danh mục viết tắt (nếu có);
  • Mục lục;
  • Lời mở đầu;
  • Nội dung báo cáo thực tập;
  • Tài liệu tham khảo.

Khi in báo cáo, các sinh viên cần lưu ý in một mặt và nên đóng gáy bằng ghim bấm thay vì dùng loại đục lỗ.

Hầu hết các trường cao đẳng, đại học sẽ có chung quy định về định dạng văn bản đối với phần nội dung như sau:

  • Khổ trang (Size): A4;
  • Căn lề trang: Lề trái 3cm, lề phải 2cm, lề trên 2cm, lề dưới 2cm;
  • Font chữ: Times New Roman;
  • Cỡ chữ: 13;
  • Cách dòng (Line Space): 1.5;
  • Các đoạn văn cách nhau 1 dấu Enter;
  • Từ trang bìa đến trang Mục lục: đánh số trang bằng chữ số La Mã thường (i, ii, iii,…) và căn giữa ở đầu trang;
  • Từ Lời mở đầu đến Tài liệu tham khảo: đánh số trang (1,2,3,..) và căn giữa ở đầu trang;
  • Đối với bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ: phải đánh số thứ tự và ghi tên ở ngay đầu bảng.

Cấu trúc lời mở đầu báo cáo thực tập

2. Những nội dung cơ bản của bài báo cáo thực tập

Theo như cách viết báo cáo thực tập đúng và đủ thì phần nội dung phải gồm 6 mục chính, đó là:

Chương 1: Tổng quan về đơn vị sinh viên thực tập

Trong chương này, bạn cần trình bày chính xác và đầy đủ (không quá 4 trang) những thông tin cơ bản về đơn vị thực tập gồm:

  • Tên đầy đủ, tên giao dịch quốc tế, tên gọi tắt (nếu có);
  • Trụ sở làm việc;
  • Quá trình hình thành và phát triển (nêu ngắn gọn);
  • Chức năng và lĩnh vực hoạt động;
  • Sơ đồ cơ cấu tổ chức doanh nghiệp;
  • Quy mô, nguồn lực, năng lực sản xuất;
  • Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những năm gần đây.

Chương 2: Cơ sở lý thuyết

Những bạn sinh viên đã từng làm nghiên cứu khoa học thì chắc không còn lạ lẫm gì với việc nêu cơ sở lý thuyết. Các bạn còn lại thì thường bị mắc một lỗi cơ bản là trình bày lý thuyết quá dài dòng khiến tổng thể bài báo cáo bị thừa số trang so với tiêu chuẩn.

Bởi vậy trong chương này, bạn chỉ cần trình bày những nội dung lý thuyết có liên quan tới đề tài được nêu trong báo cáo thực tập mà thôi. Mỗi chuyên ngành sẽ có khung lý thuyết khác nhau.

Chương 3: Nội dung nghiên cứu

Nội dung chương này và chương 4 sẽ quyết định 80% điểm số bài báo cáo thực tập của bạn. Nó thể hiện mức độ quan sát và khả năng làm việc hiệu quả khi thực tập tại doanh nghiệp. Các nội dung chính mà bạn cần trình bày bao gồm:

  • Mô tả nhiệm vụ thực tập: Giải thích bạn đã làm việc ở bộ phận nào và bạn làm những việc gì ở vị trí đó;
  • Phương thức làm việc;
  • Lập kế hoạch thực tập và quá trình phê duyệt;
  • Kết quả đạt được về mặt lý thuyết và kết quả áp dụng;
  • Dữ liệu thu thập được từ các phòng ban có liên quan trong công ty hoặc do bản thân tự khảo sát thực tế;
  • Phân tích và xử lý dữ liệu.

Nội dung nghiên cứu

Chương 4: Kết quả nghiên cứu

Đây chính là phần mà bạn tổng kết lại những kiến thức, kỹ năng được đúc rút sau kỳ thực tập vừa rồi. Giáo viên luôn đánh giá cao những bài báo cáo có đầu tư về mặt chất lượng trong chương này.

Có 3 nội dung chính mà bạn cần làm rõ, bao gồm:

  • Những điểm nào mà bạn thấy chương trình học phù hợp với hoạt động thực tế tại doanh nghiệp?
  • Những điểm nào mà bạn thấy chương trình học chưa phù hợp với hoạt động thực tế?
  • Bạn đề xuất cho nhà trường những giải pháp gì để có thể cải thiện điểm chưa phù hợp trong chương trình đào tạo?

Kết luận và kiến nghị

Phần này thường không đánh số chương nhưng là một phần tách riêng và bao gồm các nội dung sau:

  • Tổng kết lại toàn bộ nội dung chính đã nêu ra trong những phần trên;
  • Tự đánh giá ưu điểm và nhược điểm khi thực tập tại công ty;
  • Các kiến nghị đối với cơ quan thực tập để cải thiện vấn đề báo cáo.

Tài liệu tham khảo

Phần cuối cùng trong quy cách viết báo cáo thực tập chuẩn chỉnh là phải có danh mục tài liệu tham khảo.

Rất nhiều bài báo cáo bị trả lại do mắc lỗi đạo văn bởi vì sinh viên không trích dẫn nguyên vẹn những nội dung tham khảo từ nguồn khác trong bài làm của mình. Lỗi đạo văn là một điểm trừ rất lớn, không phân biệt do bạn cố ý hay vô tình không trích nguồn.

Phần này để trích dẫn các tạp chí, tác phẩm đã xuất bản, ảnh, file ghi âm hoặc bất kỳ tài liệu bổ sung nào khác mà bạn có. Khi trích dẫn phải tuân thủ các quy tắc như:

  • Đặt số thứ tự tài liệu tham khảo trong dấu ngoặc vuông, ví dụ [1], [2]… và ngay sau câu trích dẫn;
  • In đậm tên tác giả;
  • Câu trích dẫn được in nghiêng và đặt trong dấu ngoặc kép;
  • Nội dung trích dẫn phải chính xác tuyệt đối;
  • Chỉ trích những phần có liên quan đến báo cáo, không trích dẫn toàn bộ.

Viết báo cáo thực tập

3. Kinh nghiệm làm báo cáo thực tập tốt

Viết báo cáo thì ai cũng có thể làm được, nhưng cách viết báo cáo thực tập đạt điểm A thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là 3 lời khuyên quý báu có thể giúp ích cho bạn trong quá trình làm báo cáo thực tập:

Tuyệt đối không COPY

Chắc chắn một điều ngay cả sinh viên đã có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học thì vẫn cần tham khảo nhiều nguồn khác nhau để chọn được đề tài viết báo cáo thực tập.

Và điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh rất nhiều lần ở đây chính là không copy, chỉ dừng ở mức tham khảo ý tưởng của tác giả mà thôi.

Hiện nay tất cả các trường cao đẳng, đại học đều có một phần mềm quét đạo văn dành riêng cho đợt chấm báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp. Bởi vậy đừng bao giờ có ý định sao chép nội dung, nếu như không muốn báo cáo của mình bị hủy ngay lập tức.

Lựa chọn đơn vị thực tập độc lập

Việc này sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng hai hoặc nhiều bạn sinh viên cùng khoa, cùng trường, thực tập chung tại một chỗ nhưng số liệu không khớp nhau. Chưa kể khi hội đồng giám thị chấm hai bài báo cáo thực tập có đề tài giống nhau sẽ không tránh khỏi việc so sánh và chấm khắt khe hơn so với những báo cáo khác.

Lựa chọn đơn vị thực tập

Tạo trang bìa đẹp và viết lời cảm ơn ấn tượng

Bạn đã bao giờ nghe câu “Ấn tượng đầu tiên cũng là ấn tượng cuối cùng” chưa? 

Trang bìa là thứ đầu tiên mà giảng viên nhìn thấy trong báo cáo thực tập của bạn. Mở sang những trang tiếp theo thì lời cảm ơn là thứ đầu tiên mà giảng viên đọc được. Bởi vậy bạn hãy cố gắng thiết kế trang bìa đẹp và viết lời cảm ơn chân thành nhất có thể, tuy nhiên đừng quá mùi mẫn hoặc mang nặng cảm xúc cá nhân. Điều này sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp ban đầu về báo cáo thực tập của bạn đối với hội đồng chấm thi.

Duy trì giọng văn khách quan trong suốt báo cáo

Bạn có thể phê bình tổ chức, doanh nghiệp mà bạn vừa kết thúc kỳ thực tập, nhưng hãy đánh giá công bằng và trung lập nhất có thể. Tránh nói xấu hoặc buông lời nặng nề với bất cứ ai.

Báo cáo thực tập được coi như là bài kiểm tra cuối cùng của bạn ở trường đại học trước khi tốt nghiệp. Kết quả bài báo cáo sẽ chứng tỏ tính chuyên nghiệp của thực tập sinh trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Bây giờ hãy thử áp dụng ngay và luôn cách viết báo cáo thực tập mà chúng tôi vừa hướng dẫn trên đây nhé. Chúc bạn đạt được điểm số cao nhất.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here