Mục lục
Những năm gần đây, các trường đại học đang dần có xu hướng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia làm tiêu chí tuyển sinh. Có thể nói đây là một hướng đi mới của nền giáo dục Việt Nam và đã nhận được sự hưởng ứng của số đông các bạn học sinh, thể hiện qua lượng thí sinh tăng lên hàng năm.
Chính vì thế, phương pháp ôn luyện và cách làm bài thi đánh giá năng lực luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bạn sĩ tử.
Nếu bạn đang có ý định tham gia làm bài thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia trong năm tới thì bài viết này sẽ mách nhỏ bạn một số mẹo hay trong ôn thi và cách làm bài đánh giá năng lực để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
1. Cách ôn thi đánh giá năng lực
1.1. Lên thời gian biểu hợp lý
Với bài thi đánh giá năng lực, thì đòi hỏi bạn phải nắm kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là bạn cần phải ôn nhiều môn cho một bài thi, do vậy bạn cần có một thời gian biểu thật hợp lý trước khi bắt đầu quá trình ôn thi.
Thời gian biểu giúp bạn có một cách học khoa học hơn, giờ nào việc đó, không phải đụng môn nào là lấy môn đó ra học. Cách học như vậy sẽ khiến bạn bị rối trí và không thể nắm vững kiến thức.
Thời gian biểu của bạn cần chỉ ra buổi nào học môn nào, học trong bao lâu, học nội dung gì.. và ngày hôm đó cố gắng nhắc nhở bản thân phải thực hiện theo thời gian biểu đã đề ra.
1.2. Ôn thi một cách khoa học
Nhiều bạn lựa chọn làm “cú đêm” để ôn thi, đây không phải là cách học tốt và rất có hại cho sức khỏe.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, việc thức khuya sẽ ảnh hưởng xấu đến não bộ đồng thời gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Thay vì đi ngủ vào lúc 1-2 giờ sáng và thức dậy muộn vào ngày hôm sau, bạn có thể tập thói quen ngủ sớm và thức dậy sớm, học bài vào lúc sáng sớm rất hiệu quả và giúp bạn tập trung hơn.
1.3. Nắm chắc kiến thức cơ bản
Điểm quan trọng thứ ba là kiến thức cho bài thi, như bạn đã biết, bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi bạn cần nắm vững các kiến thức cơ bản, khi đã nắm chắc rồi thì mới học chuyên sâu hơn. Việc tất yếu nhất đó là chăm chú nghe thầy cô giảng bài kết hợp với các nguồn kiến thức tham khảo khác. Với sự tiến bộ của internet thì việc tìm kiếm tài liệu ôn thi là quá dễ dàng.
Ngoài ra, “học thầy không tày học bạn” bạn có thể lập một nhóm ôn thi với các bạn để cùng nhau học hỏi và giúp đỡ nhau, nó cũng giúp bạn có động lực ôn thi hơn.
Thay vì lướt Facebook để sống ảo, bạn có thể tham gia các group ôn thi để học hỏi từ các bạn ở các tỉnh thành khác. Trong những nhóm này, các bạn sĩ tử thường giúp nhau giải đáp thắc mắc, giải đề, chia sẻ kinh nghiệm, đây là nơi thực sự rất nên tham gia và đặc biệt hữu ích.
1.4. Chú trọng sức khỏe
Và điều cuối cùng, sức khỏe cũng rất quan trọng trong quá trình ôn thi. Đừng cố “cày cuốc” mà hãy chú trọng cả sức khỏe của bản thân. Có sức thì mới học hiệu quả được, ăn uống đúng bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, thi thoảng thư giãn đầu óc, có như vậy thì bạn mới có đủ sức để chiến đấu với kỳ thi được.
2. Các kỹ năng cần thiết để ôn thi đán giá năng lực hiệu quả
2.1. Kỹ năng tập trung
Trong thời gian ôn thi, bạn cần luyện cho mình kỹ năng tập trung, không xao nhãng. Khi đã ngồi vào bàn học, hãy tắt tivi, điện thoại, dọn dẹp bàn học gọn gàng và cất những đồ vật làm bạn mất tập trung để buổi học hiệu quả nhất có thể.
2.2. Làm quen với format đề thi
Với bài thi đánh giá năng lực, đây là dạng bài thi khá mới nên có lẽ bạn vẫn còn thấy bỡ ngỡ. Do vậy, bạn cần phải làm quen với nó trước khi thực hiện bài thi thật bằng việc giải đề thi của những năm trước, giải đề là một cách ôn thi rất cần thiết và hiệu quả.
Bạn có thể gõ tìm kiếm ở trên mạng internet, có rất nhiều đề thi được cập nhật trên đó và có kèm theo đáp án để bạn dò lại. Tập trước cho mình kỹ năng phân tích đề và tư duy logic để lúc làm bài thi thật sẽ không bị bỡ ngỡ và hoang mang.
3. Cách làm bài thi đánh giá năng lực
3.1. Bình tĩnh, tự tin
Có lẽ trong cuộc đời học sinh, giây phút hồi hộp và lo sợ nhất vẫn là lúc ngồi trong phòng thi, đặc biệt đối với kì thi tuyển sinh. Nhưng bạn hãy cố giữ bình tĩnh và thả lỏng bản thân, tự tin lên vì mình đã trải qua quá trình ôn luyện kỹ càng rồi, việc còn lại của mình là phô diễn kiến thức trong đầu lên bài thi nữa mà thôi. Có bình tĩnh thì bài thi của bạn mới hoàn thành tốt được.
3.2. Phân bổ thời gian hợp lý
Chú ý thời gian trong quá trình làm bài là vô cùng quan trọng, đừng mải làm bài mà quên mất thời gian. Hãy phân bổ thời gian làm bài, phần này làm bao nhiêu phút, phần kia làm trong bao lâu, và cần mấy phút để dò bài.
Vào phòng thi đừng để thời gian trôi qua lãng phí mà hãy làm chủ nó. Đây là lời khuyên quan trọng nhất của các bạn đã trải qua kì thi này khi được hỏi về cách làm bài thi đánh giá năng lực.
3.3. Phân tích kỹ đề bài
Lúc làm bài, từng câu hỏi một phải phân tích và đọc kỹ đề, vì các câu hỏi trong bài thi không sắp xếp từ dễ đến khó mà nó phân bổ đều theo các lĩnh vực kiến thức khác nhau. Câu dễ làm trước nhưng phải chắc chắn về độ chính xác, đừng để sai những câu dễ, câu nào khó quá thì tạm thời bỏ qua để làm các câu khác, sau đó quay lại nghiên cứu nếu còn thời gian.
Bạn có thể sử dụng phương pháp loại trừ hoặc so sánh các đáp án với nhau để tìm ra đáp án chính xác nhất. Sau hết, hãy dùng vài phút cuối cùng để dò lại bài và chắc chắn rằng tất cả các đáp án đều đã được điền, không được bỏ sót câu nào.
4. Kết luận
Trên đây là một số tip ôn thi cũng như cách làm bài thi đánh giá năng lực để bạn có một hành trang vững vàng hơn cho kì thi sắp tới. Jobtest chúc bạn ôn thi hiệu quả và gặt hái kết quả tốt đẹp. Cố gắng hôm nay là thành công ngày mai, chúc bạn sẽ thực hiện được mục tiêu của mình nhé!