Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn dành cho mọi đối tượng

0
1658

“Bạn có 1 phút tự giới thiệu bản thân” – với yêu cầu này của nhà tuyển dụng, bạn sẽ trả lời như thế nào? Chỉ giới thiệu tên, tuổi, quê quán thôi là chưa đủ. Người ta nói “đầu xuôi đuôi lọt”, trong phỏng vấn cũng thế, câu trả lời của bạn sẽ là yếu tố gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng trong 30s đầu tiên. Cùng Jobtest tìm hiểu rõ hơn về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, auto gây được thiện cảm với người phỏng vấn nhé.

Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn

1/ Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn

Cấu trúc một bài tự giới thiệu bản thân sẽ được chia làm 3 phần dưới đây. Tuy nhiên bạn hãy lựa cách diễn đạt để không biến mình trở thành kiểu “học thuộc lòng”.

1.1. Chọn một câu chuyện mở đầu

Cho dù bạn là ứng viên có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm thì đừng quên gửi một lời cảm ơn giữ phép lịch sự trước khi thực hiện trả lời phỏng vấn nhé. Chỉ một câu nói “Em/Tôi cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã tạo điều kiện cho em/tôi được tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay” như vậy thôi là đủ để đem lại cảm giác thoải mái cho cả đôi bên. 

Tiếp sau đây mới chính là trọng điểm. Về cơ bản thì bạn vẫn cần phải nói sơ qua thông tin cơ bản gồm có tên tuổi. Tuy nhiên điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe từ ứng viên không chỉ dừng lại ở đó. 

Cách mở đầu cho sinh viên mới ra trường

Để mở đầu câu chuyện, các bạn hãy nói về chuyên ngành mà bạn đang theo học tại trường. Nếu bạn nói thêm được nhân duyên khiến bạn biết đến và làm trong ngành này thì càng tốt. 

Cách mở đầu cho người có kinh nghiệm

Nếu bạn là ứng viên đã có kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển thì chỉ cần nêu một cách ngắn gọn những thành tựu nổi bật mà đạt đã đạt được khi làm việc ở công ty cũ là đủ. Đó là thông tin mà nhà tuyển dụng muốn được nghe thấy nhất để có cơ sở bước đầu đánh giá ứng viên.

Cách mở đầu khi phỏng vấn

1.2. Làm nổi bật hơn thành tích của bạn

Sau khi giới thiệu thông tin cơ bản, bước tiếp theo là “hạ gục” người phỏng vấn bằng các thành tích nổi bật của bạn nhé.

Cách nói cho sinh viên mới ra trường

Nếu bạn chưa từng đi làm thêm hoặc từng đi làm thêm nhưng toàn là công việc không liên quan đến vị trí ứng tuyển, hãy cứ thẳng thắn nhận phần thiếu sót về bản thân. Đối với sinh viên mới ra trường thì nhà tuyển dụng cũng không quá khắt khe đâu, cái mà họ cần ở ứng viên là thái độ và tiềm năng phát triển. Thay vì quá tập trung vào kinh nghiệm, bạn hãy nói về những hoạt động ngoại khóa mà mình từng tham gia thời sinh viên và trình bày về định hướng của bản thân trong tương lai. 

Cách nói cho người đã có kinh nghiệm

Đối với ứng viên đã có kinh nghiệm thì khác, bạn cần làm rõ hơn luận điểm về thành tích mà bạn đã nói ở phần mở đầu. Cách thuyết phục nhất là đưa ra những dẫn chứng cụ thể bằng các con số.

Trả lời phỏng vấn với người đã có kinh nghiệm

Thay vì nói là “Tôi có thể đưa công ty tiếp cận với một lượng lớn khách hàng chỉ trong 1 tháng”, bạn nên nói rằng “Tôi đã đưa fanpage của công ty tăng thêm 1 triệu lượt tương tác chỉ sau 1 tháng, doanh thu cũng từ đó tăng lên 10%”. Chắc chắn sẽ tăng tính thuyết phục hơn rất nhiều.

1.3. Kết thúc bằng mong muốn hiện tại và lý do ứng tuyển

Cách kết thúc cho sinh viên mới ra trường

Bạn hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình có quyết tâm cao độ và khả năng cống hiến lâu dài với công ty. Đừng quên tìm hiểu và dành lời khen cho công ty mà bạn định ứng tuyển nhé. 

Ví dụ như “Em thấy đội ngũ nhân viên ở đây đều là các anh chị rất trẻ và tài năng, em rất mong muốn mình cũng có cơ hội trở thành một phần nhỏ trong tập thể này để cùng nhau mang lại lợi nhuận cho công ty”.

Cách kết thúc cho người đã có kinh nghiệm

Lợi thế của bạn là bạn đã có kinh nghiệm nên hãy cứ xoáy sâu vào đó để mở ra cơ hội hợp tác cho đôi bên. Ví dụ như “Tôi đã có kinh nghiệm tăng lượt traffic chỉ trong thời gian ngắn, vậy thì tôi tin rằng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa nếu như được hợp tác với quý công ty. Chắc chắn công ty sẽ không hối tiếc khi chọn tôi cho vị trí này”

2/ Những điều không nên giới thiệu về bản thân khi phỏng vấn

Yêu cầu ứng viên tự giới thiệu bản thân được coi là một câu hỏi mở, bởi vậy mà ứng viên được phép trả lời tự do những gì mà mình muốn nói. Tuy nhiên bạn cần tránh những điều tối kỵ sau đây để tránh gây ra không khí căng thẳng trong đầu buổi phỏng vấn nhé.

2.1. Quá rập khuôn

Hãy thử đặt mình vào vị trí là HR của một công ty nào đó, mỗi ngày bạn phải tiếp xúc với hàng chục ứng viên nhưng ai cũng tự giới thiệu bản thân bằng một loạt các câu trần thuật kiểu như “điểm mạnh của em/tôi là”, “tôi có kinh nghiệm là”… Có phải sẽ vô cùng tẻ nhạt không?

Bởi vậy, để khiến bản thân mình nổi bật hơn hẳn các ứng viên khác, bạn có thể thêm một chút giọng văn hài hước vào trong bài giới thiệu, hoặc không thì khéo léo kết hợp nhiều loại câu từ một cách nhuần nhuyễn.

Không rập khuôn khi phỏng vấn

Bạn càng coi buổi phỏng vấn này thoải mái thì bạn sẽ càng khiến bản thân mình tự tin hơn. Đừng vì căng thẳng mà trả lời quá rập khuôn khiến người phỏng vấn cảm thấy nhàm chán nhé.

2.2. Quá khoa trương

Khoảng cách giữa “tự tin” và “tự cao”, giữa “khiêm tốn” và “tự ti” là vô cùng mỏng manh. Một thực tế cho thấy nhiều sinh viên mới ra trường cầm tấm bằng Giỏi hoặc bằng Xuất sắc trong tay và coi đó là vũ khí để tâng bốc bản thân. 

Một trường hợp khác là ứng viên “nổ” về kinh nghiệm, kiểu như đi làm ở công ty A chỉ có 1 tháng nhưng khi đi phỏng vấn ở công ty B lại nói bản thân có kinh nghiệm 1 năm làm việc ở công ty A. 

Bạn nên nhớ, mỗi ngày một nhân viên HR phải tiếp xúc với hàng chục kiểu người, bởi vậy họ rất có kinh nghiệm nhìn người chỉ qua một cái liếc mắt hoặc vài câu nói. Họ có nhiều cách để kiểm chứng tính xác thực của thông tin và cũng có nhiều cách để đối phó với những ứng viên tâng bốc bản thân quá đà. Đó đều là những điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. 

Khiêm tốn chưa bao giờ là thừa, nhất là trong trường hợp đôi bên mới gặp nhau lần đầu giống như đi phỏng vấn.

3/ Ba yếu tố quan trọng của một bài mẫu giới thiệu bản thân hoàn hảo

Để bài giới thiệu bản thân trở nên hoàn hảo nhất, bạn vẫn cần phải lưu ý cả những yếu tố quan trọng dưới đây.

Yếu tố quan trọng khi giới thiệu bản thân

3.1. Đảm bảo thông tin có liên quan đến vị trí ứng tuyển

Lượng thông tin mà ứng viên cung cấp là rất nhiều, nhưng nhà tuyển dụng chỉ chọn lọc một vài thông tin có giá trị để tiến hành lựa chọn ứng cử viên xuất sắc cho vị trí làm việc mà thôi. Bởi vậy bạn chỉ cần nêu ra trong bài giới thiệu bản thân những thứ có liên quan đến vị trí ứng tuyển, còn những thông tin khác thì lược bớt. Đừng để nhà tuyển dụng bị ngập trong núi thông tin mà phải “đãi cát tìm vàng” nhé.

3.2. Kiểm soát thời gian của bài giới thiệu

Thông thường nhà tuyển dụng chỉ dành ra khoảng 1 phút cho ứng viên tự giới thiệu bản thân. Bởi vậy bạn cần phải tự điều tiết thời gian để đưa ra một câu trả lời phù hợp. Đừng nói quá ngắn gọn khiến thời gian chết, nhưng cũng đừng quá lan man, dài dòng. Tối đa 2 phút cho một phần trình bày về bản thân là hợp lý.

3.3. Phong thái tự tin, nhìn thẳng

Nhiều bạn sinh viên mới ra trường vẫn còn mang trong mình suy nghĩ “đi xin việc” chứ không phải “đi tìm việc”. Nghe thì có vẻ giống nhau nhưng khác nhau khá nhiều đấy. Nên nhớ bạn đi phỏng vấn là để chuẩn bị cho quá trình bán sức lao động cho công ty, còn công ty cũng sẽ có được nhiều lợi ích từ bạn. Đây là mối quan hệ win – win nên bạn hãy cố gắng giữ cho mình phong thái tự tin nhất có thể khi đối mặt với nhà tuyển dụng nhé. 

Nếu đây là lần đầu tiên bạn đi phỏng vấn, hãy thả lỏng bằng cách hít một hơi thật sâu và luôn nghĩ rằng mình sẽ phỏng vấn thành công. Chỉ khi bạn duy trì cho mình một tâm lý thoải mái thì bạn mới có thể phản ứng nhanh nhạy và nói chuyện một cách trôi chảy mà thôi.

Trên đây là những chia sẻ hết sức thực tế của chúng tôi dành cho các ứng viên nói chung và các bạn sinh viên cuối cấp nói riêng. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn tự tin hơn phần nào trong việc tự giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Chúc bạn có một buổi phỏng vấn thật ấn tượng và thành công nhé.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here