Trường công lập là gì? Sự khác biệt giữa trường công lập và dân lập?

0
2249

Cứ mỗi năm đến mùa thi tuyển sinh thì không những các em học sinh cuối cấp mà cả các bậc phụ huynh cũng đều đau đầu vì không biết nên chọn trường công lập hay trường dân lập mới là phương án tốt nhất.

Trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu xem trường công lập là gì và 5 tiêu chí so sánh giữa trường công lập với trường tư thục nhé.

Loại hình trường học

1.  Trường công lập là gì?

Trường công lập là các trường học trực thuộc của Nhà nước, Trung ương hoặc các cấp lãnh đạo địa phương đứng ra thành lập và hỗ trợ về mặt tài chính.

Tất cả các khoản kinh phí và cơ sở vật chất cung cấp cho việc giáo dục đào tạo tại trường công lập đều thuộc danh mục dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

Hệ thống các trường công lập tại Việt Nam được chia thành 5 cấp là:

  • Trường mầm non: Trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi;
  • Trường tiểu học: Trẻ trong độ tuổi từ 7 tuổi đến 11 tuổi, tương ứng từ lớp 1 đến lớp 5;
  • Trường trung học cơ sở (THCS): Trẻ trong độ tuổi từ 12 tuổi đến 15 tuổi, tương ứng từ lớp 6 đến lớp 9;
  • Trường trung học phổ thông (THPT): Trẻ trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 18 tuổi, tương ứng từ lớp 10 đến lớp 12;
  • Trường trung cấp nghề, trường cao đẳng, trường đại học: Đào tạo thanh niên từ 18 tuổi trở lên.

Riêng ở cấp Đại học, hiện nay lại chia thành 2 hình thức: Trường công lập chưa tự chủ tài chính và trường công lập tự chủ tài chính. Trường Đại học tự chủ tài chính là một đơn vị sự nghiệp công lập, được Nhà nước trao quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về các khoản thu – chi nhưng không được vượt quá khuôn khổ do pháp luật quy định.

Đó là lý do vì sao cùng là trường Đại học công lập nhưng học phí lại chênh lệch nhiều như vậy, có trường chỉ hơn 300K/tín chỉ nhưng có trường lại hơn 500K/tín chỉ. Các trường tự chủ tài chính có mức học phí cao hơn nhiều so với trường chưa tự chủ tài chính, nhưng bù lại sinh viên lại được hưởng nhiều đãi ngộ tốt hơn.

Trường công lập là gì?
Trường công lập là gì?

2.  Sự khác biệt giữa trường công lập và dân lập là gì?

Ngược lại với trường công lập, trường dân lập hay trường tư thục là cơ sở giáo dục do một cá nhân hoặc tổ chức trong nước tự đứng ra thành lập và đầu tư về mặt tài chính. Tất nhiên là mỗi hình thức đào tạo sẽ có những ưu và nhược điểm riêng.

Sau khi đã hiểu rõ trường công lập là gì và trường dân lập là gì, chúng ta sẽ đi tìm hiểu 5 đặc điểm khác biệt nổi bật giữa hai loại hình cơ sở giáo dục này. Cụ thể như sau:

2.1. Cơ sở vật chất và trang thiết bị hỗ trợ học tập

Nếu bạn nào có cơ hội được tham quan khuôn viên trường và cơ sở vật chất của cả trường dân lập và trường tư thục thì chắc chắn sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn. Trường tư thục được xây dựng và trang bị hệ thống phòng học, trang thiết bị hiện đại, khang trang hơn rất nhiều.

Nói về sự khác biệt này, chúng ta có thể thấy trường công lập phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn vốn Nhà nước. Ban lãnh đạo trường muốn xin cấp vốn xây cái gì cũng phải xin ý kiến của đầy đủ các cấp, ban ngành có liên quan. Sau khi được cấp phép thì lại phải chờ rất lâu mới được Nhà nước giải ngân.

Ngược lại, một trường tư thục được tự chủ và tự tạo ra nguồn tài chính của mình thông qua nhiều nguồn khác nhau như học phí của học sinh, trợ cấp của công ty tư nhân và các khoản tài trợ khác.

Bởi vậy mà ban lãnh đạo trường tư thục không bị giới hạn về mặt tài chính so với trường công lập. Ngoài ra, việc ban hành quyết định đổi mới, nâng cấp hay sửa chữa cơ sở vật chất của trường dân lập cũng nhanh chóng được thi hành hơn.

Sự khác biệt giữa trường công lập và dân lập
Một góc cơ sở vật chất của trường đại học tư thục

2.2. Học phí

Cơ sở vật chất và một số nguồn kinh phí lớn của trường công lập là do Nhà nước hỗ trợ, còn lại học phí do học sinh đóng góp chỉ phục vụ riêng cho việc học nên mức học phí của các trường công lập sẽ thấp hơn nhiều so với các trường dân lập.

Mặt khác, trong các hệ thống giáo dục tư thục, tiền học phí thu được ngoài chi cho việc học thì nhà trường còn phải sử dụng vào một số việc khác như duy trì hoạt động và nâng cấp chất lượng dạy học. Vì thế có thể dễ dàng thấy được trường tư thục có mức học phí cao hơn nhiều so với trường công lập. Chưa hết, ngoài học phí thì học sinh trường tư thục còn phải chi trả rất nhiều khoản phụ phí khác như tiền xe đưa đón, phí phỏng vấn và kiểm tra, quỹ hỗ trợ phát triển trường, phí đặt chỗ lần đầu nhập học, tiền khám sức khỏe đầu năm,…

2.3. Chương trình đào tạo

Mặc dù các trường tư thục cũng tuân theo cùng một chương trình giảng dạy do Chính phủ quyết định, nhưng khác nhau ở chỗ là các trường tư thục có quyền tự do lựa chọn chương trình giảng dạy của riêng mình. Vì vậy có thể thấy, ngoài các môn học cơ bản, học sinh ở trường tư thục sẽ được học thêm một số môn học thực hành để phát triển tư duy.

Trường tư thục hướng đến đào tạo tri thức kết hợp với kỹ năng và khơi dậy sự sáng tạo, còn trường công lập thì lại có hướng đào tạo nặng về học thuật. Chẳng hạn một học sinh có năng khiếu hội họa và không học giỏi các môn văn hóa thì sẽ thích môi trường tư thục hơn. Đó cũng chính là điểm khác biệt rất lớn giữa trường dân lập và trường công lập.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục dân lập còn thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu tri thức với trường quốc tế nên học sinh, sinh viên ở đây có cái nhìn rộng mở và kiến thức thực tế tốt hơn rất nhiều.

Hướng đào tạo của trường tư thục
Hướng đào tạo của trường tư thục
Còn đây là hướng đào tạo của trường công lập
Còn đây là hướng đào tạo của trường công lập

2.4. Tiêu chuẩn nhập học

Đối với trẻ từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông

Việc nhập học vào trường công lập được xác định theo địa chỉ của học sinh. Các trường có nghĩa vụ thu nhận những học sinh thuộc khu vực địa lý tương ứng. Mỗi xã/phường/thị trấn đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở riêng. Đến khi lên cấp 3 thì nhiều xã/phường/thị trấn gộp lại mới có một trường trung học phổ thông.

Ngược lại, học sinh ở bất kỳ đâu cũng có thể đăng ký theo học tại một trường tư thục, không có sự phân vùng theo vị trí địa lý. Tuy nhiên, nhà trường có thẩm quyền trong việc quyết định học sinh có đủ điều kiện nhập học hay không. Nhà trường có quyền từ chối nhập học nếu học sinh, sinh viên đó không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quyết định của trường.

Đối với sinh viên đại học

Để có được một suất theo học tại các trường đại học công lập, học sinh khối lớp 12 trên cả nước phải trải qua kỳ thi THPTQG vô cùng khắt khe và cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Ngược lại, sinh viên tại các trường đại học dân lập không cần thi đại học vì chỉ cần xét tuyển học bạ là đỗ. Một số trường dân lập cũng căn cứ theo điểm thi THPTQG nhưng lại chỉ lấy tổng điểm ba môn tầm 15 điểm.

Học sinh cạnh tranh khốc liệt để học ở trường đại học công lập
Học sinh cạnh tranh khốc liệt để học ở trường đại học công lập

2.5. Về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

Các trường tư thục có một đặc điểm là đầu vào rất dễ nhưng đầu ra lại rất khó khăn. Thậm chí các tiêu chí ra trường của trường Đại học tư thục còn khắt khe hơn so với trường công lập.

Ngoài ra, trường tư thục chú trọng về kiến thức thực tế nên sinh viên sau khi ra trường có tay nghề và khả năng làm việc rất tốt. Mặc dù không đánh đồng tất cả các trường công lập nhưng có một sự thật là sinh viên phải học chương trình mang tính hàn lâm quá nặng nên không có nhiều kiến thức thực tế.

Một minh chứng dễ thấy là Đại học FPT. Đây là một trường tư thục nổi tiếng tại Việt Nam. Sinh viên FPT học hoàn toàn bằng tiếng anh nên trước khi bước vào học kỳ chính phải đạt được trình độ ngoại ngữ TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS từ 6.0 tương ứng với TOEIC từ 650.

Trong khi đó điều kiện ra trường của một số trường đại học công lập chỉ là TOEIC từ 450 trở lên. Đó là lý do vì sao sau khi tốt nghiệp, 100% sinh viên FPT đều có việc làm, bởi vì các em ấy vừa có kiến thức chuyên ngành lại vừa có khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh. Một số sinh viên xuất sắc còn được làm việc tại các công ty đa quốc gia với mức lương “khủng”.

Đại học FPT
Đại học FPT

3.  Trường công lập hay trường dân lập – Đâu mới là lựa chọn của bạn?

Nên theo học trường công hay dân lập?
Nên theo học trường công hay dân lập?

Rất khó để đưa ra một câu trả lời chính xác tuyệt đối là “Có” hoặc “Không”. Chọn trường công lập hay trường dân lập phụ thuộc vào 3 yếu tố: những gì mà cha mẹ muốn dành cho con cái, khả năng chi trả và sở thích của đứa trẻ. Có một điều mà chúng tôi muốn nhắn nhủ với bạn là: không có sự lựa chọn tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Đừng chỉ nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, vì danh tiếng của gia đình mà ép mình phải học tập tại một ngôi trường mà mình không mong muốn. Tuy nhiên cũng đừng vì chạy theo ước mơ mà bắt bố mẹ bạn phải còng lưng theo ước mơ đó của bạn, đó là sự ích kỷ.

Nếu gia đình bạn không thể chu cấp cho bạn học tập tại ngôi trường bạn mong muốn, đừng buồn vì điều đó, bởi cha mẹ nào cũng luôn muốn con mình được hưởng mọi sự tốt đẹp nhất.

Thay vào đó bạn có thể chọn một ngôi trường có mức học phí phù hợp hơn và cố gắng không ngừng để tự tạo cho mình cơ hội mới. Dù học ở trường tốt đến mấy nhưng bản thân bạn không cố gắng thì cũng rất khó đạt đến thành công.

Một điều cuối cùng, nếu chẳng may bạn phát huy không tốt trong kỳ thi chuyển cấp, đừng tự ti nếu như bạn theo học tại một trường có điểm đầu vào thấp.

Mặc dù điểm thi là một tiêu chí tự nhiên để so sánh các trường với nhau, tuy nhiên điểm thi không thể là tiêu chí tuyệt đối để đánh giá một trường học tốt hay không tốt, dù đó là trường công lập hay tư thục.

Như vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu trường công lập là gì, trường dân lập là gì và 5 tiêu chí so sánh giữa hai hình thức này. Còn về câu hỏi “Nên lựa chọn trường công lập hay trường tư thục”, điều đó phụ thuộc vào bạn và gia đình của bạn.

Hãy nhớ là đừng lựa chọn qua loa, bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. Chúc các bạn sớm đưa ra một quyết định sáng suốt.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here