Trình độ chuyên môn là gì? Ghi như thế nào trong hồ sơ?

0
3947

“Trình độ chuyên môn”, “Trình độ học vấn” hay “Trình độ văn hóa” là ba thuật ngữ liên quan tới trình độ mà chúng ta thường được nghe nhắc tới khi khai báo thông tin trong một số văn bản hành chính và sơ yếu lý lịch. Nghe nhiều như vậy nhưng trình độ chuyên môn là gì thì không phải ai cũng biết.

Vì vậy trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận trình độ chuyên môn là gì? Chúng có điểm gì khác biệt so với trình độ học vấn để điền thông tin cho đúng. Và đặc biệt là hướng dẫn cách kê khai trình độ chuyên môn đúng chuẩn trong hồ sơ xin việc.

Trình độ chuyên môn

1.  Trình độ chuyên môn là gì?

Trình độ chuyên môn là thuật ngữ thể hiện năng lực làm việc của bạn trong một ngành nghề chuyên biệt nào đó. Trình độ chuyên môn phải được chứng minh thông qua các loại bằng cấp, gồm bằng đại học (cử nhân) và bằng sau đại học.

Ví dụ, nếu một người có trình độ chuyên môn “Cử nhân quản trị kinh doanh” thì người đó phải có ít nhất một tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh do một trường Đại học cấp phép.

Tuy nhiên ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam tồn tại các loại bằng cấp chuyên môn ở cấp độ thấp hơn là bằng trung cấp, bằng cao đẳng và bằng liên thông.

Cao đẳng và trung cấp là những khóa học tương tự như đại học nhưng thường chỉ đào tạo trong vòng hai năm. Còn liên thông là một hình thức đào tạo cấp đại học dành cho sinh viên cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp hệ liên thông, sinh viên vẫn được nhận bằng đại học tương tự như sinh viên đại học chính quy.

Như vậy chúng ta có thể thấy trình độ chuyên môn thường được gắn với những cấp bậc nhất định như trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư,…

Mỗi lĩnh vực sẽ có một yêu cầu trình độ chuyên môn khác nhau. Chẳng hạn để đào tạo được một bác sĩ có chuyên môn, người này phải mất tối thiểu 9 năm học tập, trong đó 6 năm học đa khoa và 3 năm học bác sĩ nội trú thì mới lấy được chứng chỉ hành nghề.

Nhưng đối với ngành kế toán, chúng ta chỉ mất khoảng 4 năm vừa học đại học, vừa thi chứng chỉ CPA là đã có thể làm việc được rồi. Vì vậy để có thể làm việc trong lĩnh vực mà mình yêu thích, hãy cố gắng trau dồi thật nhiều kiến thức chuyên ngành nhé.

Bằng cách đạt được chứng chỉ chuyên môn, bạn có thể cải thiện các kỹ năng hiện có của mình và đạt được những kỹ năng mới cần phải có trong lĩnh vực của bạn.

Đặc biệt, bằng cấp chuyên môn sẽ đem lại cho bạn cơ hội thăng tiến xa trong sự nghiệp của bạn, từ đó lương thưởng và phúc lợi cũng sẽ tăng theo, bởi vì đây là yêu cầu tối thiểu đối với các vị trí cấp cao.

Lưu ý: Khi viết vào mục Trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch, ứng viên phải viết trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo tại thời điểm điền kê khai.

Trình độ chuyên môn là gì?

2.  Sự khác biệt giữa trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là gì?

Để có thể phân biệt trình độ học vấn với trình độ chuyên môn, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem trình độ học vấn là gì đã nhé.

Trình độ học vấn đề cập đến các loại chứng chỉ, văn bằng hoặc bằng cấp trao cho một người để chứng nhận rằng người đó đã hoàn thành một chương trình giáo dục. Kể từ năm 1981 đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam được chia thành 3 cấp học, tương ứng với 12 lớp. Cụ thể như sau:

  • Cấp tiểu học: từ lớp 1 đến hết lớp 5;
  • Cấp trung học cơ sở (THCS): từ lớp 6 đến hết lớp 9;
  • Cấp trung học phổ thông (THPT): từ lớp 10 đến hết lớp 12.

Khi viết mục trình độ học vấn trong sơ yếu lý lịch, ứng viên sẽ không ghi theo cấp học mà ghi theo công thức x/12, trong đó x là số lớp đã hoàn thành tại thời điểm kê khai.

Ví dụ, một học sinh mới học hết cấp trung học cơ sở và không tiếp tục học cấp trung học phổ thông thì có trình độ học vấn là 9/12.

Như vậy có thể thấy, thuật ngữ trình độ học vấn là một thuật ngữ bao quát hơn so với trình độ chuyên môn. Điều đó được hiểu nôm na là có trình độ học vấn nhưng chưa chắc đã có trình độ chuyên môn.

Ví dụ, một sinh viên năm nhất ngành Y đa khoa vừa mới tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông thì được coi là có trình độ học vấn 12/12. Nhưng do người này chưa tốt nghiệp đại học và chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn ngành Y nên chưa được coi là có trình độ chuyên môn.

Cũng là trường hợp này nhưng khoảng 10 năm sau, khi họ lấy được chứng chỉ hành nghề thì lúc đó họ vừa có trình độ chuyên môn, vừa có trình độ học vấn.

Phân biệt trình độ chuyên môn với trình độ học vấn
Phân biệt trình độ chuyên môn với trình độ học vấn

3.  Danh mục trình độ chuyên môn hiện nay

Các cơ sở giáo dục tại Việt Nam hiện nay đang đào tạo ở 5 cấp độ khác nhau giúp sinh viên đạt được trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, đó là:

3.1. Trình độ chuyên môn sơ cấp

Trình độ chuyên môn sơ cấp thường áp dụng đối với các nhóm ngành nghề liên quan đến kỹ thuật như:

  • Nhóm nghề kỹ thuật cơ khí: ví dụ như nghề hàn cắt kim loại, nghề sửa chữa ô tô, nghề chế tạo vỏ tàu thủy;
  • Nhóm nghề kỹ thuật điện – điện tử: ví dụ như nghề điện dân dụng và nghề điện – điện tử công nghiệp;
  • Nhóm nghề liên quan đến công nghệ thông tin: ví dụ như nghề sửa chữa điện thoại, máy tính.

Cơ sở đào tạo ra nguồn lao động có trình độ chuyên môn sơ cấp là các trung tâm dạy nghề. Học viên sẽ được vừa học vừa làm để có thể nhanh chóng thành thạo các thao tác nghề cơ bản.

Thời gian đào tạo sơ cấp tương đối ngắn, chỉ kéo dài từ 3-6 tháng và mức học phí cũng tương đối thấp. Tuy nhiên, học viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa thể làm việc độc lập mà vẫn phải chịu sự quản lý, giám sát của những người có trình độ cao hơn.

Trình độ chuyên môn sơ cấp
Trình độ chuyên môn sơ cấp

3.2. Trình độ chuyên môn trung cấp

Ngoài những nhóm nghề kỹ thuật kể trên, trình độ trung cấp có đào tạo thêm một số ngành cho học viên nữ như trung cấp y dược, trung cấp mầm non,…Khi theo học chương trình đào tạo trung cấp, học viên sẽ được đào tạo bài bản hơn so với chương trình sơ cấp.

Cụ thể là thời gian đào tạo sẽ kéo dài 2 năm đối với học viên có trình độ học vấn 12/12 và kéo dài 4 năm đối với học viên có trình độ học vấn 9/12.

Đồng nghĩa với điều đó, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ trang bị cho mình được nhiều kỹ năng nghề nghiệp hơn. Từ đó có thể hoàn thành công việc một cách độc lập trong các nhà máy, nhà xưởng mà không cần người khác “cầm tay chỉ việc”.

Trình độ chuyên môn trung cấp
Trình độ chuyên môn trung cấp

3.3. Trình độ chuyên môn cao đẳng

Cấp độ đại học sẽ không dành cơ hội cho những bạn mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở nữa, mà nó yêu cầu học viên phải đạt trình độ học vấn 12/12. Thời gian đào tạo kéo dài từ 2.5-3.5 năm.

Lĩnh vực, ngành nghề trong trường cao đẳng cũng đa dạng hơn rất nhiều so với các trường trung cấp nghề. Ngoài nhóm ngành kỹ thuật, sinh viên còn có thể đăng ký học các nhóm ngành “hot” như Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn, Pha chế, Thiết kế đồ họa,…

Trình độ chuyên môn cao đẳng

3.4. Trình độ chuyên môn đại học

Sinh viên đại học sẽ được truyền dạy những kiến thức chuyên môn cao cấp hơn rất nhiều so với sinh viên cao đẳng. Thời gian đào tạo thường kéo dài từ 4-7 năm, nếu sinh viên đăng ký chương trình học nhanh thì thời gian đào tạo kéo dài 3.5 năm.

Sau khi ra trường, các bạn có thể tiếp tục nghiên cứu lên trình độ cao hơn hoặc chọn hướng đi làm. Nếu đi làm, sinh viên đại học sẽ có nhiều cơ hội vào làm ở những doanh nghiệp lớn, được thăng chức lên các vị trí cấp cao và nhận được mức đãi ngộ cao hơn so với sinh viên có trình độ chuyên môn cao đẳng và trung cấp.

Tuy nhiên chúng tôi không đánh đồng tất cả bởi vì vẫn có nhiều người chỉ học trung cấp, cao đẳng nhưng vẫn có mức lương cao.

Trình độ chuyên môn đại học
Trình độ chuyên môn đại học

3.5. Trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ

Sinh viên tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện theo học chương trình thạc sĩ, hay còn gọi là cao học. Thời gian đào tạo thạc sĩ kéo dài trong vòng 2 năm.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, bạn có thể tiếp tục ôn luyện để đạt tới trình độ tiến sĩ, sau đó là Phó Giáo sư và cuối cùng là Giáo sư.

Trình độ chuyên môn thạc sĩ
Trình độ chuyên môn thạc sĩ

4.  Cách ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ

Căn cứ theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ được ban hành ngày 18/06/2007, chúng tôi đã tìm thấy một mục nhỏ trong văn bản này hướng dẫn các cán bộ, công chức kê khai trình độ học vấn (trình độ giáo dục phổ thông) và trình độ chuyên môn, cụ thể như sau:

  • Trình độ học vấn: Ghi đã tốt nghiệp lớp mấy và thuộc hệ đào tạo phổ thông nào. Đối với người học vào những năm 1980 trở về trước, chỉ cần ghi dưới dạng “x/10” vì lúc này hệ thống giáo dục là hệ 10 năm. Còn đối với người học từ năm 1980 đến nay thì phải ghi dưới dạng “x/12”;
  • Trình độ chuyên môn: Ghi trình độ cao nhất được đào tạo tại thời điểm kê khai, chẳng hạn như Sơ cấp, Cao đẳng, Cử nhân, Tiến sĩ, Thạc sĩ,,…
Cách ghi trình độ chuyên môn và trình độ học vấn
Cách ghi trình độ chuyên môn và trình độ học vấn

5.  Những lỗi thường mắc khi ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ

Dưới đây là 3 lỗi thường gặp, nhất là đối với sinh viên mới ra trường, khi kê khai trình độ chuyên môn trong hồ sơ xin việc:

5.1. Thể hiện không đúng nội dung

Rất nhiều bạn bị nhầm lẫn giữa trình độ chuyên môn và trình độ học vấn dẫn đến ghi nội dung không đúng kiểu như mục trình độ học vấn lại ghi là “Cử nhân kế toán”, còn mục trình độ chuyên môn lại ghi là “Đã tốt nghiệp THPT”.

5.2. Lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp

Đây là một lỗi cơ bản nhưng nó lại chính là nguyên nhân khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn là người cẩu thả khi đọc sơ yếu lý lịch của bạn.

Cho dù bạn ghi hồ sơ viết tay hay đánh máy vẫn đều có thể mắc phải lỗi chính tả hoặc lỗi ngữ pháp, vì thế đừng quên đọc và rà soát lại thông tin một lần nữa trước khi nộp để chắc chắn mình không bị ghi sai chính tả nhé. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể nhờ người khác soát lại cho bạn.

5.3. Thiếu trung thực trong việc trình bày trình độ chuyên môn

“Thổi phồng” trình độ chuyên môn có thể giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng khi lọc hồ sơ ứng viên.

Tuy nhiên, điều đó rất dễ dàng bị bại lộ khi họ phỏng vấn trực tiếp khi bạn trả lời ấp úng hoặc trả lời không đúng trọng tâm. Điều này vừa mất thời gian cho đôi bên, lại vừa khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng.

Kể cả bạn may mắn lọt vào danh sách ứng viên trúng tuyển thì bạn vẫn phải trải qua 2 tháng thử việc nữa.

Nếu trong quá trình làm việc mà bạn không thể hiện năng lực xứng với trình độ chuyên môn bạn ghi trong hồ sơ thì vẫn có thể bị đánh “rớt” như thường. Vì thế, hãy luôn luôn trung thực với nhà tuyển dụng.

Trung thực khi khai báo trình độ chuyên môn với nhà tuyển dụng
Trung thực khi khai báo trình độ chuyên môn với nhà tuyển dụng

6.  Những lưu ý khi ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ xin việc

Ngoài 3 lỗi thường gặp kể trên, khi kê khai mục trình độ chuyên môn trong hồ sơ xin việc, hãy lưu ý thêm một số điều sau:

  • Tìm hiểu trước về vị trí ứng tuyển và đặc điểm của công ty. Bạn có thể nghiên cứu trong mục “Yêu cầu” của bản mô tả công việc (JD) hoặc thông báo tuyển dụng do công ty phát hành, trong mục đó có bao gồm yêu cầu về trình độ chuyên môn. Ngoài ra, bạn có thể thông qua fanpage hoặc website chính thức để tìm hiểu xem đội ngũ nhân viên hiện tại của công ty có trình độ chuyên môn ở mức độ nào. Từ đó bạn có thể đánh giá xem trình độ chuyên môn của mình có phù hợp với công việc hay không;
  • Trình bày ngắn gọn nhưng phải đủ ý, tránh trường hợp viết lan man, dài dòng. Đối với cử nhân đại học, khi kê khai trình độ chuyên môn, tối thiểu bạn cần ghi rõ tốt nghiệp chuyên ngành nào và tốt nghiệp trường nào. Nếu bạn có thêm các chứng chỉ nghề liên quan đến công việc thì càng tốt. Hãy ghi làm sao để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn mới là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này chứ không phải ai khác. Ví dụ, nếu bạn muốn ứng tuyển cho vị trí kế toán thì nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên phải đạt được trình độ chuyên môn tối thiểu là tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại các trường đào tạo về kinh tế.

Hy vọng bạn đã nắm được trình độ chuyên môn là gì và phân biệt được đâu là trình độ chuyên môn, đâu là trình độ học vấn. Với những kiến thức hữu ích mà chúng tôi vừa chia sẻ trên đây, chắc chắn bạn đọc biết cách ghi hồ sơ đúng nội dung để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here