Hướng dẫn cách trả lời câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu khi phỏng vấn

0
3599

Thông thường ngay sau khi kết thúc phần giới thiệu bản thân, ứng viên sẽ được yêu cầu trả lời câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu của mình. Lúc này, bạn cần chuẩn bị trước câu trả lời để vừa có thể chứng minh lợi thế của bản thân mà không tỏ ra tự phụ và tự tin thừa nhận điểm yếu mà không tỏ ra mình kém cỏi. Ở bài viết này Jobtest sẽ hướng dẫn bạn, cách trả lời câu hỏi điểm mạnh điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn thuyết phục nhà tuyển dụng.

Bạn có thể quan tâm:

Trả lời câu hỏi phỏng vấn khi xin việc

1/ Đầu tiên, chúng ta sẽ bắt đầu với Điểm mạnh

Cho dù nhà tuyển dụng không hỏi trực tiếp thì bạn vẫn phải biết cách trả lời câu hỏi về điểm mạnh của bản thân. Vì sao vậy? Nhiều ứng viên trả lời ấp úng như gà mắc tóc khi được hỏi về điểm mạnh, chứng tỏ chính bạn còn chưa hiểu hết về bản thân thì sao có thể hi vọng một người lạ có thể phát hiện ra chỉ trong vài phút phỏng vấn. 

1.1. Danh sách điểm mạnh được đánh giá cao khi phỏng vấn

Điểm mạnh thì vô cùng đa dạng, từ điểm mạnh trong tư duy, trong hành động đến điểm mạnh trong tính cách,… Nhưng không phải cứ liệt kê một tràng ra là xong, vậy đâu mới là điểm mạnh được nhà tuyển dụng đánh giá cao? Đừng lo, chúng tôi đã tổng hợp sẵn một danh sách các điểm mạnh nổi bật dưới đây, bạn có thể tham khảo và đối chiếu với chính mình để chuẩn bị câu trả lời tốt nhất. Đó là:

  • Kỹ năng giao tiếp;
  • Kỹ năng giải quyết tình huống;
  • Kỹ năng viết lách;
  • Kỹ năng phân tích;
  • Kỹ năng đàm phán;
  • Kỹ năng bán hàng;
  • Kỹ năng làm việc nhóm;
  • Kỹ năng tin học văn phòng;
  • Khả năng sáng tạo;
  • Khả năng lãnh đạo, quản lý đội nhóm;
  • Khả năng quản lý;
  • Khả năng làm việc đa nhiệm;
  • Tính trung thực;
  • Tinh thần trách nhiệm;
  • Kiên nhẫn và có thể chịu được áp lực cao;
  • Hòa đồng với mọi người.

Nếu bạn không chắc chắn về điểm mạnh của mình, hãy đọc lại những bài đánh giá năng lực của lãnh đạo và các phản hồi tích cực từ phía đồng nghiệp. Nếu bạn vẫn còn là sinh viên hoặc sinh viên mới tốt nghiệp, hãy tự nhìn nhận ra điểm mạnh của bản thân thông qua lời nhận xét đến từ phía giảng viên đại học đã từng làm việc với bạn và người trực tiếp quản lý bạn trong kỳ thực tập.

Xem thêm: 7 Câu hỏi xử lý tình huống hay giúp xác định ứng viên tiềm năng nhất

Phân tích điểm mạnh điểm yếu

1.2. Mẫu câu trả lời điểm mạnh của bạn là gì?

Nếu như câu trả lời điểm mạnh của bạn chỉ đơn thuần là liệt kê “Tôi có kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng giải quyết vấn đề”, nghe sẽ rất nhàm chán. Để câu trả lời thuyết phục hơn, bạn phải thêm thắt một số chi tiết làm nổi bật hơn tính xác thực về điểm mạnh mà bạn có. 

  • Tôi có tinh thần trách nhiệm:

“Một trong những điểm mạnh của em/tôi là tinh thần trách nhiệm cao. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì và bất cứ phương án nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngay như sự việc xảy ra vào tuần trước, phía khách hàng của chúng tôi có yêu cầu sửa một vài chi tiết nhỏ trong phần banner vào một đêm trước ngày ra mắt sản phẩm mới. Tôi đã làm việc cả đêm hôm đó để hoàn thành banner đúng dự kiến vì tôi biết rằng nếu chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của khách hàng”.

  • Khả năng bán hàng:

“Điểm mạnh của tôi là kỹ năng bán hàng và khả năng chịu được áp lực cao. Tôi đã bắt đầu tập tành bán hàng từ khi còn là sinh viên. Và với 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bán hàng, hàng tháng doanh thu của tôi đều vượt KPI và vinh dự được trở thành nhân viên best seller vào cuối mỗi quý trong suốt 2 năm qua. Và tôi muốn được tiếp tục phát triển điểm mạnh này của mình khi được hợp tác với quý công ty ở vị trí nhân viên Telesale”.

  • Khả năng sáng tạo:

“Tôi nhận thấy mình là một người có khả năng tư duy và sáng tạo. Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự có ích trong ngành marketing, và đặc biệt là tại một agency như thế này. Dự án gần đây nhất mà tôi trực tiếp làm việc là đưa ra các giải pháp tiếp thị cho một startup về công nghệ là DGcare, chỉ trong 1 tháng, app này đã có thêm được 10 nghìn lượt tải về và một lượng lớn người theo dõi mới trên TikTok và Instagram. Ngoài ra thì vòng quan hệ bạn bè của tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều tiền bối trong lĩnh vực sáng tạo nội dung”.

2/ Điểm yếu

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi về điểm yếu và cách trả lời như thế nào:

2.1. Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này:

Một số ứng viên khi nghe thấy câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì” thì hoảng sợ và phủ nhận rằng mình không có bất kỳ điểm yếu nào. Xét từ góc độ của nhà tuyển dụng, mục đích cuối cùng khi đặt câu hỏi về điểm yếu là để đánh giá ứng viên thông qua 3 yếu tố sau:

  • Ứng viên đã tự nhìn nhận ra được những thiếu sót của bản thân hay chưa? Điểm yếu đó ảnh hưởng như thế nào tới vị trí mà công ty đang tuyển dụng;
  • Nếu như đã biết điểm yếu của bản thân thì ứng viên đã làm gì để khắc phục điều đó;
  • Ứng viên đã cải thiện hoàn toàn được nhược điểm đó chưa?

Câu trả lời về điểm yếu chính là một con dao 2 lưỡi, nó có thể chính là lý do trực tiếp khiến bạn bị trượt phỏng vấn nhưng cũng có thể qua phần trả lời này mà người tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm hơn về bạn. Trong chúng ta ai cũng có khuyết điểm, những người biết tìm cách để khắc phục nó mới chính là người đáng trân trọng.

Mục đích phân tích điểm mạnh điểm yếu

2.2. Danh sách điểm yếu

Một ứng viên lý tưởng là người không phủ nhận rằng họ có một vài điểm yếu. Nhưng điểm yếu mà họ nêu ra sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất của công việc mà họ đang ứng tuyển. Một số ví dụ về điểm yếu bao gồm:

  • Nhạy cảm;
  • Quá cầu toàn;
  • Nhút nhát / Mất tự tin khi nói trước đám đông;
  • Tính háo thắng;
  • Thiếu tập trung khi làm việc;
  • Làm việc theo cảm tính mà không có kế hoạch rõ ràng;
  • Không thích khi bị người khác can thiệp vào công việc;
  • Khả năng tính toán kém.

2.3. Mẫu câu để trả lời điểm yếu của bạn là gì?

Theo như những gì đã phân tích ở trên, một câu trả lời về điểm yếu đầy đủ là phải nêu kèm theo được các bước mà bạn đang làm để cải thiện nó. Dưới đây là một vài ví dụ về mẫu câu để trả lời cho điểm yếu.

  • Tôi muốn được làm việc độc lập:

“Một điểm yếu lớn của tôi là tôi muốn được tự làm việc một mình vì tôi nghĩ mình sẽ làm tốt hơn là giao cho người khác. Tôi đã thảo luận về điểm yếu này với cấp trên của mình để dần cải thiện nó. Chúng tôi đã thiết lập lịch trình và mục tiêu để tôi cùng đạt được với một người cộng sự trong team.

Tôi cũng đã đăng ký tham gia trong một nhóm tình nguyện khoảng 20 người để tài trợ cho trẻ em vùng cao. Tôi đã và đang học cách tin tưởng vào người khác. Tôi nghĩ rằng mình đã cải thiện được khoảng 60% nhược điểm này và tôi hy vọng sẽ kiểm soát được nó tốt hơn.”

  • Tôi không bao giờ lên kế hoạch trước khi làm việc:

“Tôi không giỏi trong việc lên kế hoạch để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó và tôi thường làm việc theo cảm tính nhiều hơn. Kết quả là tôi thường xuyên hoàn thành deadline sát giờ và không được cấp trên tín nhiệm giao cho hoàn thiện những dự án quan trọng.

Vì vậy, tôi đã bắt đầu tham gia các khóa học quản lý thời gian vào cuối tuần được tổ chức tại trường đại học của mình. Cấp trên của tôi đã dành lời khen cho sự tiến bộ này của tôi, tôi của hiện tại đã biết lên kế hoạch rõ ràng và luôn hoàn thành trước thời hạn ít nhất 1 ngày”.

  • Tôi khá nhút nhát và không dám đưa ra ý kiến:

“Điểm yếu lớn nhất của tôi là nhút nhát, tôi gặp khó khăn khi phát biểu ý kiến trước đám đông. Ngay cả khi tôi có những ý tưởng hay, tôi cũng không dám đề xuất với cấp trên. Và có một lần tôi chỉ dám gửi mail cho người quản lý dự án để đưa ra một số phương án giải quyết.

Kết quả là team của tôi thu về thành tích rất tốt. Sau đó tôi cảm thấy mình cần phải cải thiện nhược điểm này thì mới có cơ hội thăng tiến trong tương lai. Tôi quyết định đăng ký tham gia vào các lớp học nói do một MC Đài truyền hình đứng lớp. Và chỉ sau 2 tháng sau, tôi đã dám mạnh dạn đưa ra ý kiến trước cuộc họp nhóm và được sự chấp thuận của cấp trên. Bây giờ thì tôi đã được tách ra làm leader một nhóm nhỏ có năm người mặc dù trước đó tôi rất nhút nhát.”

Mẫu câu trả lời phỏng vấn điểm mạnh và điểm yếu

3/ Lời khuyên khi đi phỏng vấn

Dưới đây là một số lời khuyên để cuộc phỏng vấn của bạn thuận lợi và ghi điểm hơn trước nhà tuyển dụng:

3.1. Trung thực

Điều vô cùng quan trọng mà chúng tôi luôn nhắc nhở ứng viên khi tham gia phỏng vấn là phải trung thực, có sao nói vậy nhưng phải ăn nói khéo léo. Đừng quá khoe khoang, kể lể để tâng bốc bản thân quá đà, nhưng cũng đừng quá hạ thấp giá trị bản thân. Nếu không chẳng may bạn có được chọn làm nhân viên chính thức đi chăng nữa thì bộ phận HR rất dễ lấy chính điểm yếu này của bạn ra để ép bạn nhận được mức lương thấp đấy. 

3.2. Tìm hiểu chi tiết về công ty trước khi đi phỏng vấn

Đừng để mình trở nên bất động khi được nhà tuyển dụng hỏi “Em biết gì về công ty mình?”. Tại sao vậy? Nếu bạn đi phỏng vấn mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, có vẻ như bạn không tôn trọng cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn là người cẩu thả và đánh rớt bạn mặc dù bạn phù hợp với vị trí này.

3.3. Nói vào trọng tâm

Hãy chú tâm vào chất lượng câu trả lời và đừng tốn quá nhiều thời gian vào những câu hỏi ngoài lề. Tối đa cho một câu trả lời đơn giản như vậy là 3 phút và tối thiểu là 1 phút. Đừng trả lời qua loa lấy lệ nhưng cũng đừng liệt kê một cách dài dòng bạn nhé.

Hy vọng những thông tin chia sẻ về cách trả lời câu hỏi điểm mạnh điểm yếu khi phỏng vấn trên đây sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm hơn và tự tin hơn khi tham gia phỏng vấn xin việc. Chúc bạn sớm tìm được việc làm phù hợp với khả năng của bản thân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here