5 bước giúp bạn thăng tiến trong công việc

0
1587

Để nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình, bạn cần phải có kế hoạch rõ ràng. Sự thăng tiến trong công việc được thể hiện ở nhiều dạng, và thường thấy nhất là việc nhận nhiều nhiệm vụ và công việc hơn so với vai trò hiện tại của bạn. Nếu không có kế hoạch chỉ dẫn rõ ràng, thì mọi sự phấn đấu để đạt được thành công của bạn đều sẽ không thực hiện được. Tự tạo con đường sự nghiệp sẽ đồng nghĩa với việc kế hoạch nghề nghiệp của bạn cũng đã được hoạch định và là nền tảng giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp.

 

Tự định nghĩa sự thành công của riêng bạn

Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về thành công. Với một số người, thành công là việc đạt được “bộ C” và nhận được công việc quản lý mà mình hằng mong muốn. Còn với một số người khác, thành công đơn giản chỉ là tìm được một công việc mà họ vẫn có thể dành được nhiều thời gian cho gia đình. Không có định nghĩa nào đúng hay sai về thành công – nó tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Điều quan trọng là bạn có thể tự mình định nghĩa thành công hay không.

Để định nghĩa được thành công, trước hết hãy nghĩ xem đâu là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn hiện tại và bạn muốn bức tranh sự nghiệp của mình sẽ trông như thế nào trong tương lai. Những việc bạn đang phấn đấu để làm bây giờ có thể sẽ khác so với những gì bạn muốn trong vòng 5 – 10 năm nữa. Suy nghĩ theo chiều hướng dài hạn sẽ giúp bạn định nghĩa được sự thành công của bản thân. Với nhiều người, đó chính là sự thăng tiến trong công việc.

Một khi đã định nghĩa được thành công tiếp theo là lúc để bạn hành động. Hãy thiết lập một biểu đồ định vị vị trí hiện tại của bạn và vị trí mà bạn mong muốn sau 1, 5 hay 10 năm nữa. Điền vào 5 năm đầu tiên vị trí và chức danh mà bạn mong muốn. Hãy giữ biểu đồ này thật sạch sẽ, ngăn nắp – vì đây chính là sự khởi đầu cho lộ trình thăng tiến nghề nghiệp của bạn đấy!

 

thăng tiến trong công việc

 

Thiết lập mục tiêu và thời gian biểu

Mục tiêu và thời gian biểu luôn luôn song hành với nhau. Khi không có thời gian biểu, việc đạt được mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và thời gian biểu sẽ chỉ đơn giản là một tờ giấy ghi lịch trình khi không có mục tiêu kèm theo. Kết hợp mục tiêu và thời gian biểu sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đã đề ra. Những mục tiêu bạn đề ra sẽ là động lực giúp bạn phấn đấu, còn thời gian biểu sẽ giúp bạn có trách nhiệm và giúp định hướng cho bạn để đạt được những mục tiêu đó.

Tham khảo lộ trình nghề nghiệp (career roadmap) và đam mê nghề nghiệp (Career Interests) của bạn sau đó xem xét kế hoạch của bạn từ năm đầu tiên đến 5 năm sau đó. Đó chính là mục tiêu dài hạn lớn nhất của bạn. Để đạt được mục tiêu lớn này, bạn cần chia nhỏ nó ra thành những mục tiêu ngắn hạn có thể dễ dàng quản lý được. Hãy xem xét những bước bạn cần làm để đạt được cấp bậc cao hơn trong sự nghiệp của bạn. Bạn cần học thêm những kỹ năng nào? Ai là người trong nghề sẽ giúp bạn phát triển hơn? Liệu bạn có thể đạt được mục tiêu mình đề ra trong môi trường làm việc hiện tại hay không?

Hãy thật sự dùng thời gian để phân tích và suy nghĩ nghiêm túc về việc này. Việc đặt ra mục tiêu ngắn hạn là không có giới hạn nhưng có một quy định, tiêu chuẩn chung thì lúc nào cũng tốt hơn. Khi bạn đã xác định được mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của chính mình, việc cần làm tiếp theo là thêm nó vào lộ trình nghề nghiệp (career roadmap) của bạn. Kế hoạch đặt ra càng chi tiết thì việc theo dõi và đạt được mục tiêu của bạn càng dễ dàng hơn. Điều này đồng nghĩa với quá trình thăng tiến trong công việc của bạn sẽ nhanh hơn.

 

thăng tiến trong công việc

 

Tìm kiếm phản hồi (feedback)

Phản hồi là cách để bạn đo lường quá trình thăng tiến của mình và đảm bảo rằng mình đang đi theo đúng hướng trên con đường đến mục tiêu của mình. Trong trường hợp bạn chỉ có hai đánh giá chính thức một năm, hãy sắp xếp lịch kiểm tra với người quản lý của bạn giữa các lần đánh giá. Đừng giới hạn feedback chỉ đến từ cấp trên của bạn. Phản hồi cũng nên được tiếp nhận từ đồng nghiệp của bạn, vì họ sẽ đưa ra những quan điểm, góc nhìn khác.

Hãy tham khảo đồng nghiệp của bạn thông qua việc đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn, hay cung cấp cụ thể phản hồi trong khoảng thời gian làm việc chung với nhau. Nếu bạn đang là quản lý, hãy khuyến khích các nhân viên của mình phê bình và nhận xét. Phản hồi bạn nhận được càng đa dạng, bạn càng học tập được nhiều. Đây cũng là cách đánh giá năng lực bản thân phổ biến.

thăng tiến trong công việc

 

Hãy cởi mở hơn với quản lý của bạn

Sự thật là thường có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc hơn bạn tưởng tượng. Hãy nói chuyện với quản lý của bạn và tìm hiểu những cơ hội nghề nghiệp hiện có trong công ty của mình. Chia sẻ mục tiêu của ban với họ và xem họ có thể làm gì giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Bằng cách nói chuyện với quản lý và thể hiện nguyện vọng của mình, bạn đã phần nào gây được chú ý và chiếm được một phần quan tâm của họ. Nếu họ có ý định giúp đỡ, họ sẽ yêu cầu bạn giúp đỡ trong công việc và đưa ra lời khuyên cho bạn.

 

thăng tiến trong công việc

 

Tận dụng mạng lưới quan hệ của mình

Không quan trọng mục tiêu của bạn là gì, cách duy nhất giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp của mình chính là nhờ vào việc giúp đỡ và hỗ trợ những người xung quanh. Hãy tận dụng, tham khảo mạng lưới quan hệ của bạn trong suốt quá trình lập mục tiêu và kế hoạch. Khi suy nghĩ về định nghĩa của thành công, hãy tham khảo ý kiến của người hướng dẫn hay những người bạn tin tương. Trong quá trình tạo dựng mục tiêu dài hạn của bản thân, hãy nói chuyện với quản lý của mình để tìm hiểu các khả năng thăng tiến trong hiện tại. Khi đã xác định được việc mình muốn làm, hãy tìm gặp những người đang có chức vụ tương tự ở thời điểm hiện tại và tham khảo ý kiến của họ. Bạn càng có nhiều thông tin, kế hoạch hành động của bạn sẽ càng trở nên rõ ràng.

 

thăng tiến trong công việc

 

Chung quy lại, các bước trên sẽ giúp bạn tạo dựng được lộ trình nghề nghiệp (career roadmap) của mình, từ đó sẽ chuyển thành kế hoạch hành động (action plan) và cuối cùng là sự thăng tiến trong công việc. Hãy nhớ rằng, kế hoạch không cần phải quá cứng nhắc, bạn vẫn có thể cập nhật thêm những mục tiêu mới, những nguyện vọng mới vào kế hoạch của mình. Con đường sự nghiệp không nhất thiết phải là con đường thẳng từ A đến B, vì vậy, đừng quá tự ràng buộc mình trong khuôn khổ để đạt được mục tiêu.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here