08 lời khuyên giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn xin việc dễ dàng

0
2438
phong van xin viec

Phỏng vấn xin việc thật ra không hề căng thẳng như bạn nghĩ. Nếu bạn đã xuất sắc vượt qua vòng sàng lọc CV thì hãy xem đây như một cơ hội để bạn khẳng định năng lực bản thân cũng như hiểu rõ hơn về công việc ứng tuyển. Trong bài viết sau đây, JobTest sẽ gợi ý 08 lời khuyên giúp bạn tận dụng tốt cơ hội phỏng vấn để chinh phục nhà tuyển dụng.

Xem thêm:

01 Tìm hiểu thông tin

Hãy bắt đầu với việc đọc thật kỹ các thông tin trong bản mô tả công việc (Job description) để hiểu nhà tuyển dụng đang mong đợi điều gì từ phía bạn. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn và ghi điểm ngay từ những phút đầu tiên.

Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu tất cả thông tin liên quan đến công ty. Ví dụ như những sản phẩm, dịch vụ chính yếu, sơ lược quá trình hình thành và phát triển,… Ngoài ra, cũng đừng quên phân tích về lĩnh vực mà công ty đang kinh doanh cũng như những đối thủ hiện tại. Bạn càng chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn càng tự tin hơn trong buổi phỏng vấn xin việc.

02 Trang phục phù hợp

Bạn nên lựa chọn trang phục chuyên nghiệp, phù hợp với vị trí ứng tuyển nhưng vẫn thoải mái để khiến bạn tự tin. Ví dụ bạn có thể mặc vest chỉnh chu khi phỏng vấn tại ngân hàng hoặc mặc những trang phục năng động, trẻ trung hơn nếu phỏng vấn tại các công ty quảng cáo. Bạn có thể tìm kiếm những hình ảnh của công ty để biết về những dạng trang phục mà nhân viên tại đó đang mặc để lựa chọn phù hợp.

phong van xin viec

03 Chuẩn bị trước các câu trả lời

Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình làm việc trước đây của bạn. Vì thế hãy chuẩn bị thật kỹ những thông tin cụ thể xoay quanh những công việc mà bạn đảm nhận, vai trò của bạn và hiệu quả mà bạn đem lại. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những câu hỏi như: Lý do bạn nên được tuyển dụng và mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Câu trả lời sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác năng lực của bạn cũng như xem xét mức độ phù hợp văn hóa với công ty.

04 Sẵn sàng cho những câu hỏi khó

Những câu hỏi khó thường được các nhà tuyển dụng dùng để xem xét khả năng phản ứng của ứng viên. Ví dụ như Điểm yếu của bạn là gì? Vì sao bạn nghỉ việc tại công ty cũ? Đưa ra những lý do mà công ty chúng tôi nên chọn bạn? Điều quan trọng trong câu trả lời là cần phải trung thực và có lý do hợp lý. 

05 Đặt câu hỏi khi cần thiết

Đối với những câu hỏi quá rộng mà bạn chưa xác định trọng tâm vấn đề, hãy đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng. Đừng cố trả lời khi chưa hiểu rõ câu hỏi, điều này sẽ khiến câu trả lời của bạn trở nên lan man, kém chuyên nghiệp. Và khi bạn mất tự tin bạn sẽ khó giữ vững phong độ trong những câu hỏi tiếp theo.

Ngoài ra, cuối mỗi buổi phỏng vấn thường sẽ là phần đặt câu hỏi của ứng viên. Thông thường những bạn đi phỏng vấn lần đầu tiên sẽ rất lúng túng ở phần này. Hãy chuẩn bị trước một số câu hỏi liên quan đến công việc sau này, ví dụ như người quản lý trực tiếp của bạn sẽ là ai? Phong cách làm việc của người này thế nào? Lộ trình thăng tiến như thế nào? Hoặc những câu hỏi thể hiện sự quan tâm và nghiêm túc của bạn trong công việc.

06 Hãy thành thật

Đừng cố tạo nên một CV thật đẹp và một quá trình làm việc chỉ toàn thành tích tốt. Đối với những người nhiều kinh nghiệm họ sẽ dễ dàng nhận ra những lỗ hổng trong câu trả lời của bạn cũng như xác thực được thông tin trong CV. Do đó, lời khuyên dành cho bạn trong phỏng vấn xin việc chính là hãy luôn thành thật. Cho dù bạn đã từng thất bại thì đó cũng chính là những bài học quý giá cho bạn sau này. Hoặc bạn đã từng có khoảng thời gian thất nghiệp, cũng chẳng sao cả nếu trong khoảng thời gian này bạn đã định hướng lại chính mình hoặc học thêm những kiến thức bổ trợ cho công việc.

phong van xin viec

07 Những điều cần tránh khi phỏng vấn xin việc

Tuyệt đối đừng đến trễ, đây sẽ là điểm trừ lớn nhất của bạn khi đi phỏng vấn. Ngoài ra, khi được hỏi về quá trình làm việc ở công ty cũ, hãy tránh những nhận xét tiêu cực về sếp hay đồng nghiệp cũ. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh chia sẻ quá nhiều những thông tin không cần thiết hay trả lời câu hỏi với thái độ không chuyên nghiệp. Tất cả những điều trên sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu về bạn. Nếu bạn đến đúng giờ, tác phong nghiêm túc, trả lời các câu hỏi một cách vui vẻ, thành thật, chuyên nghiệp thì chắc chắn rằng bạn đã có một khởi đầu rất tốt.

08 Gửi Email cảm ơn

Đừng quên gửi email sau buổi phỏng vấn xin việc để cảm ơn công ty đã cho bạn cơ hội. Bạn nên viết ngắn gọn, thân thiện và thể hiện rằng bạn đang chờ đợi kết quả phỏng vấn. Đây là một cách khéo léo và chuyên nghiệp để nhắc lại một lần nữa rằng bạn là một ứng viên phù hợp cho vị trí này.

Nếu bạn cần tư vấn thêm về nghệ thuật chinh phục nhà tuyển dụng cũng như xây dựng kế hoạch sự nghiệp trong tương lai, hãy liên hệ ngay cho chương trình định hướng nghề nghiệp của JobTest. Bạn sẽ được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia để giải quyết những khó khăn đang gặp phải.

Nhìn chung, điều quan trọng nhất trong số rất nhiều bí quyết phỏng vấn xin việc đó là bạn phải là chính mình. Tất cả các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến năng lực và thái độ làm việc của bạn. Vì thế, hãy cứ tự tin, thể hiện thật tốt và luôn là chính mình trong mắt nhà tuyển dụng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here