Daniel Goleman – nhà báo khoa học, từng tuyên bố rằng: “Những người có IQ không cao, nhưng EQ cao, thường được người khác giúp đỡ; nhưng những người có IQ cao, EQ không cao, lại thường bị người khác đánh giá là không thân thiện.” Năm 1996, trong cuốn sách của mình, ông cho rằng EQ (Chỉ số thông minh cảm xúc) có thể quan trọng hơn so với IQ, vì theo như quan điểm của các nhà tâm lý học thì tiêu chuẩn để đo lường trí thông minh (hay IQ) là quá hạn hẹp và không thể phản ánh đầy đủ các phương diện về trí tuệ của con người.
IQ và EQ được đo lường và kiểm chứng như thế nào và chúng khác biệt ra sao?
Hãy bắt đầu bằng việc định nghĩa hai thuật ngữ này để có thể hiểu được bản chất và cách phân biệt từng loại.
IQ hay chỉ số thông minh là kết quả của bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn. Thời gian đầu, chỉ số IQ được đo bằng cách chia tuổi trí tuệ cho tuổi sinh học và nhân với 100. Nghĩa là, một đứa trẻ có tuổi trí tuệ là 15 và tuổi sinh học là 10 thì sẽ chỉ số IQ vào khoảng 150. Ngày nay, điểm số trên hầu hết các bài kiểm tra IQ được tính bằng cách so sánh điểm của người thực hiện bài kiểm tra với điểm trung bình của người khác trong cùng nhóm kiểm tra. Chỉ số IQ đại diện cho khả năng:
-
Xử lý thông tin hình ảnh và không gian
-
Kiến thức về thế giới
-
Khả năng tư duy linh hoạt
-
Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn
-
Khả năng tư duy định lượng
Còn chỉ số EQ là gì? Trái ngược với IQ, EQ là một chỉ số đo lường mức độ trí tuệ cảm xúc của một người. Chỉ số này cho biết về khả năng hiểu, kiểm soát, đánh giá và thể hiện nhiều cảm xúc. Các nhà nghiên cứu như John Mayer và Peter Salovey cùng với chính tác giả Daniel Goleman đã giúp làm sáng tỏ trí tuệ cảm xúc, biến nó thành một chủ đề hấp dẫn trong mọi lĩnh vực từ quản trị kinh doanh cho đến giáo dục đào tạo.
EQ là tập trung vào khả năng:
-
Nhận diện các cảm xúc
-
Đánh giá cảm nhận của người khác
-
Kiểm soát các cảm xúc của cá nhân
-
Nhận định cảm xúc của người khác
-
Sử dụng cảm xúc để thúc đẩy các cuộc trò chuyện xã giao
-
So sánh bản thân với người khác
Từ những năm 90 trở về sau, chỉ số EQ – một khái niệm ít được biết đến, chỉ có thể tìm thấy ở những tạp chí khoa học đã trở thành một thuật ngữ được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Ngày nay, bạn có thể mua những món đồ chơi được cho là có khả năng giúp con trẻ đặc biệt là những đứa trẻ có chỉ số EQ thấp phát triển trí tuệ cảm xúc hoặc đưa chúng tới với những chương trình học tập cảm xúc và xã hội học để dạy trẻ về các kỹ năng trí tuệ cảm xúc. Ở một số trường học tại Mỹ, chương trình học tập cảm xúc và xã hội học thậm chí còn là một bộ môn bắt buộc.
Ngày nay, EQ trở thành chỉ số quan trọng trong việc giúp các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Ở mỗi vị trí công việc khác nhau, bài kiểm tra EQ cũng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bài kiểm tra đều dựa trên việc phân tích, đánh giá về khả năng xử lý tình huống, khả năng giao tiếp để từ đó xác định tính cách của ứng cử viên. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng cho rằng: EQ cao đồng nghĩa với việc ứng viên có khả năng giữ sự bình ổn, cân bằng về mặt cảm xúc, sự tỉnh táo, lý trí, không bị cảm xúc chi phối.
By Eric – Jobtest.vn