Đây là thông báo chính thức được Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đưa ra ngày 26.7 tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH và BHYT tháng 7.2017.
Theo đó, từ ngày 1.1.2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 2, điều 56, luật BHXH năm 2014 – Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông (BHXH VN), cho biết.
Cụ thể như sau, lương hưu của lao động (LĐ) nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Đối với LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% (nội dung này chỉ thay đổi đối với LĐ nữ vì trước năm 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45% lao động nữ được tính thêm 3%).
Như vậy, LĐ nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.
Đối với LĐ nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Theo thống kê của BHXH VN, trong 4 năm trở lại đây, thời gian đóng BHXH bình quân của LĐ nam là trên 32 năm, còn LĐ nữ là 29 năm; có khoảng 68% số người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Đại diện BHXH VN nhận định với cách tính thay đổi trên, tác động tổng thể không lớn, có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến 32% số người nghỉ hưu (chủ yếu là LĐ nghỉ hưu sớm).