PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CẢM XÚC KHÔNG KHÓ NHƯ BẠN NGHĨ!

0
1191

Làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc  EQ là việc nhận diện và kiểm soát cảm xúc ở cả hai góc độ: bản thân và bản thân đối với những người xung quanh.  Hãy nhìn xung quanh bạn đi, bạn sẽ thấy rằng những người thành công, họ luôn luôn vui vẻ, được lòng mọi người, gặp vấn đề gì khó cách mấy cũng giải quyết được, xung đột có lớn đến mấy vẫn xử lý được. Những người thành công này là những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao. Vậy làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc?

1. Đối với bản thân, tôi có thể nhận định được bao nhiêu loại cảm xúc của mình?

Nếu bạn không hiểu nổi bản thân mình, đừng mong hiểu được những người khác. Triết lý “hãy đối xử với người khác giống như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình” nói lên tầm quan trọng của việc thấu hiểu và kiểm soát hành vi của bản thân đối với những người xung quanh.

Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ nói rằng họ không hiểu mình đang nghĩ gì và cảm thấy như thế nào, họ đã cãi nhau với ba mẹ, với thầy cô và bạn bè, với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới và với khách hàng nữa. Họ cho rằng mọi người đối xử với họ không tốt, không như cách họ mong muốn. Họ thiếu sự thấu hiểu cảm xúc và không kiểm soát được hành vi của mình đến mức phải lựa chọn những phương án giải quyết tiêu cực nhất và tự làm cho cuộc sống của mình đầy rẫy những rắc rối.

Bạn cãi nhau với bạn gái, bạn bực tức và đem vẻ mặt cau có đó thảo luận với đồng nghiệp về một vấn đề trong công ty, kết quả là bạn phản đối mọi thứ họ đưa ra và làm tổn hại tình đồng nghiệp.

Bạn nhận được email từ sếp, yêu cầu bạn phải làm lại bản thảo dự án vì sếp cho rằng nó quá sơ sài và thiếu cấu trúc mặc dù bạn đã chuẩn bị mất cả tuần, sự tức tối khiến bạn nổi xung lên và viết hết những điều khó chịu vào thư phản hồi, không quên cc thêm nhiều người trong công ty. Kết quả là bạn không những bị sếp phê bình, mà còn để cho các đồng nghiệp trong công ty chứng kiến sự “ngang và ngông" đầy ngu ngốc của bạn nữa.

Mọi thứ cảm xúc đều có thể được nhận diện. Tôi đã từng rất ấn tượng với một bộ phim có tựa đề “Nói dối" – bộ phim nói về việc các nhà tâm lý học dựa vào việc phân tích cảm xúc, hành vi và các yếu tố tâm lý khác để đấu tranh với các tội phạm nguy hiểm khét tiếng. Lightman (nhân vật chính của bộ phim) gần như có thể phát hiện ra ngay việc đối phương có đang nói dối, đang lo lắng hay đang cảm thấy vui về một điều gì đó hay không. Tất cả đều dựa vào khoa học.

Mỗi người chúng ta không ai bắt buộc phải trải qua một tình huống thực tế nào đó thì mới có thể đối diện với một loại cảm xúc mới. Những kiến thức về biểu hiện nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và nhân tướng học từ Đông sang Tây (dù hình thức thể hiện có khác nhau) thì vẫn nhằm chung một mục đích là giúp chúng ta có thể hiểu rõ về con người (bao gồm cả bản thân và những người khác). May mắn thay, những điều này đều có thể dễ dàng tìm được ở trên mạng internet, qua sách báo và tài liệu tham khảo.

Hãy trang bị cho mình một vốn kiến thức cảm xúc đầy đủ để có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống một cách thông minh nhất ngay từ bây giờ!

2. Giờ tôi đã biết tôi đang có cảm xúc gì? Bước tiếp theo là gì?

Hãy dùng kiến thức bạn đã thu hoạch được từ khắp các nguồn khác nhau, kết hợp chúng lại với nhau để có thể có được sự nhận định cảm xúc tốt nhất. Trong bất kỳ tình huống nào, dù là căng thẳng nhất hoặc khó xử nhất, hãy bình tĩnh cân nhắc xem mình nên biểu hiện như thế nào. Đúng vậy! Tôi đang nói đến đến việc quản lý cảm xúc của bản thân. Một người có chỉ số EQ cao là người không những có khả năng nhận định cảm xúc của bản thân tốt, mà còn có thể để kiểm soát được các cảm xúc đó theo ý của mình, ở một chừng mực nào đó, đặc biệt là đối với các cảm xúc tiêu cực. Họ thấu hiểu rõ hơn ai hết rằng khi tức giận, họ sẽ có xu hướng biểu hiện nào, có những tác động tiêu cực ra sao, có thể làm tổn thương những người xung quanh như thế nào. Chính vì thế, họ quyết định không tức giận, hoặc ít nhất là tìm cách kìm nén sự giận dữ của bản thân trước khi mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Họ cũng hiểu rất rõ rằng khi buồn, họ có nhu cầu cần được chia sẻ như thế nào. Họ cần gì ở những người bên cạnh để có thể cảm thấy tốt hơn.

Hãy đặc biệt chú ý tới các cảm xúc tiêu cực, nếu bạn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể xác định và kiểm soát các loại cảm xúc tiêu cực thường gặp, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy rằng hiệu quả công việc hoặc các mối quan hệ xã hội khác sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhờ vào trí tuệ cảm xúc, chúng ta tránh được những xung đột, hiểu nhầm không đáng có, tìm ra được các giải pháp có lợi cho tất cả mọi người.

Dưới đây là 5 phương pháp mà ai cũng nên thử để có thể kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực.

*Lựa chọn tình huống

Hãy tránh những trường hợp có thể tạo ra ra những cảm xúc không mong muốn. Nếu bạn biết rằng mình là người rất dễ nổi nóng khi phải chờ đợi và mọi người xung quanh bạn cũng vậy, hãy chủ động sắp xếp thời gian. Hãy ra khỏi nhà hoặc cơ quan sớm hơn 10 phút trước khi khi bạn cần, như vậy thì bạn sẽ sẽ chẳng bị làm phiền bởi giao thông, xe cộ hoặc thang máy.

Tương tự, nếu bạn cảm thấy khó chịu với một ai đó, hãy tìm cách tránh người đó đi.

*Thay đổi tình huống.

Sự thất vọng có lẽ là thứ cảm xúc bạn không bao giờ muốn trải qua. Chúng ta luôn luôn hy vọng, hy vọng một bữa tối hoàn hảo với bạn bè và gia đình, nhưng mọi thứ không diễn ra theo cách tốt đẹp nhất bởi vì bạn đã quá mong đợi. Hãy thay đổi tình huống bằng cách tìm kiếm những việc bạn có thể làm để khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Có thể bạn không làm được món souffle hoàn hảo, nhưng vẫn có thể "cân" được món frittata ngon lành cho cả nhà.

*Chuyển hướng sự tập trung cảm xúc của bạn.

Giả sử bạn luôn cảm thấy thua thiệt và kém cỏi so với những người xung quanh. Bạn đang ở phòng tập thể hình và không thể rời mắt được trước những người có thể nâng tạ nặng gấp 3 lần so với bạn.

Bạn bị thu hút như một thỏi nam châm vậy, không thể không chú ý và cảm thấy ghen tị với những gì vì họ có thể làm. Hãy chuyển sự tập trung của bạn sang người bạn đi tập cùng – anh chàng chỉ nâng được một nửa so với bạn, bạn sẽ cảm thấy tự tin lại ngay lập tức ấy mà.

Tốt hơn hết là hãy tập trung vào những gì mình đang làm, nếu tập trung bạn sẽ chắc chắn có được thứ mà bạn muốn.

*Thay đổi suy nghĩ của mình

Sự hình thành các cảm xúc của con người đều bắt nguồn từ niềm tin của chúng ta. Bạn sẽ cảm thấy buồn bã nếu bạn nghĩ rằng bạn đã mất thứ gì đó. Bạn sẽ cảm thấy tức giận nếu mục tiêu quan trọng của mình không thực hiện được. Bạn sẽ cảm thấy vui mừng nếu bạn tin rằng những điều tốt lành đang tới.

Chỉ dựa vào việc thay đổi suy nghĩ, bạn chưa chắc có thể thay đổi được tình huống, nhưng ít nhất thì bạn đã thay đổi được cái cách mà tình huống đó gây ảnh hưởng tới bạn. Xét về mặt tiềm thức, bạn đã thay đổi những suy nghĩ dẫn tới cảm xúc tiêu cực bằng những suy nghĩ dẫn tới cảm xúc vui vẻ. Những người bị bệnh rối loạn cảm xúc xã hội thường nghĩ rằng họ là đối tượng dễ bị trêu chọc. Việc làm gián đoạn dòng suy nghĩ tiêu cực đó và thay thế bằng những suy nghĩ tích cực rằng những người xung quanh không hề đánh giá họ nặng nề như họ nghĩ sẽ giúp họ cải thiện về cảm xúc.

*Thay đổi cách phản ứng của bản thân

Nếu như tất cả những cách trước đó đều không hiệu quả, bạn không thể tránh, không thể chuyển hướng, cũng không thể thay đổi suy nghĩ, cảm xúc thì cứ tuôn ra thì bước cuối cùng để quản lý cảm xúc chính là kiểm soát phản ứng của bản thân.

Trái tim của bạn có thể đập loạn nhịp khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc tức giận chính là do những cảm xúc không tốt. Hãy hít thở sâu hoặc nhắm mắt lại để làm bản thân bình tĩnh hơn.

Tương tự như vậy, nếu bạn không thể dừng cười khi những người xung quanh đang rất nghiêm túc hoặc buồn bã, hãy cố gắng tìm những những nguồn lực bên trong và ép buộc bản thân phải thay đổi biểu hiện khuôn mặt dù cho đó không phải là cảm xúc của bạn ngay lúc đó. Hãy nghĩ đến một chuyện gì đó thực sự buồn với bạn, hoặc điều tồi tệ là mọi người sẽ đánh giá bạn như thế nào nếu bạn hành xử không phải đạo trong tình huống như thế này.

3. Thế còn cảm xúc của người khác thì sao?

“Treat others the way you want to be treated

Put yourself to others' perspectives.”

“Hãy đối xử với người khác theo cái cách mà bạn muốn được đối xử

Hãy đặt mình vào góc nhìn của những người xung quanh.”

Sau khi đã có cho mình một nền tảng kiến thức tâm lý cơ bản rồi, có thể nhận diện được hầu hết những cảm xúc của bản thân trong nhiều tình huống thực tế hoặc giả định, bạn hãy chuyển hướng sang tìm hiểu và tập nhận diện cảm xúc của những người xung quanh. Phản ứng cảm xúc của con người hầu hết đều tương tự nhau trong các tình huống giống nhau. Điểm khác biệt giữa người có EQ cao với phần còn lại chính là khả năng điều chỉnh hành vi cho phù hợp với tình huống đó, biến hành vi của họ thành tác nhân mang lại hiệu quả, hoà bình, và cảm xúc tích cực cho người khác.

Với vốn văn hoá lịch sử lâu đời của đất nước Việt Nam, chúng ta lớn lên với những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu ca dao, đồng dao mang đậm tính giáo dục, len lỏi vào gần như mọi phương diện cuộc sống, mọi mối quan hệ. Chúng ta thường được khuyên “một điều nhịn là chín điều lành", “dĩ hoà vi quý"…để tránh đi những xung đột không đáng có, những thứ có thể khiến chúng ta phải chịu những tổn thất không đáng có. Chúng ta được đọc những thứ triết lý sâu sắc như “Con người có ba thứ không thể giấu giếm: lúc khó khăn, lúc nghèo khổ và lúc đang yêu, càng cố giấu thì lại càng hở.”…vân vân và mây mây.

Trên đây chỉ là một số ít những kinh nghiệm được cha anh đi trước đúc kết ra và biến tấu lại một chút, thêm một chút thi vị để cho hậu thế áp dụng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành tâm lý học, các thông tin về tâm lý, về ngôn ngữ hình thể,… đều hiện hữu chỉ với một cú click chuột. Việc tìm hiểu và nhận diện cảm xúc đã không còn là thứ gì đó quá khó khăn và xa vời, chúng ta thậm chí còn có thể mua được những công cụ hỗ trợ cho việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình. Các khoá học và chương trình đào tạo tiên tiến luôn luôn có sẵn cho bất kỳ ai đang gặp vấn đề với cuộc sống của mình vì sự yếu kém về mặt cảm xúc.

 

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – một diễn giả quen thuộc với thế hệ trẻ

Tôi đã nghe khá nhiều bài giảng của thầy, bỏ qua những từ ngữ hơi gắt, hơi tục của thầy ra, hãy chú ý tới cách mà thầy ứng dụng trí tuệ cảm xúc để lèo lái, dẫn dắt khán giả, người nghe thầy tới cảm xúc tích cực. Thầy có chê không? Có chứ! Thầy có hay chọc không? Có luôn. Nhưng bạn thấy đấy, khán giả họ vừa cười, vừa ngượng ngùng nhưng trong đầu thì phải cảm ơn thầy vì thầy đã dạy cho họ những kiến thức thật tuyệt vời. Những ví dụ, những minh hoạ của thầy về trí tuệ của cảm xúc thật gần gũi và dễ nhớ, khiến cho bất kỳ ai từng nghe thầy cũng đều nhận ra được tầm quan trọng của việc nhận diện và quản trị cảm xúc.

Xã hội ngày nay đã đang và sẽ thuộc về thế hệ millennial, họ lớn lên với những thuận lợi mà theo như Simon Sinek, những việc đó sẽ khiến họ trở nên thiếu kiên nhẫn, lệ thuộc vào công nghệ và đòi hỏi cao. Họ có thể vò đầu bứt tai và gần như phát điên nếu chiếc smartphone của mình bỗng dưng bị mất kết nối wifi, họ cũng bị các thế hệ trước đó nhận xét là thiếu tập trung, trách nhiệm và kỷ luật. Để có thể giao tiếp và làm việc hiệu quả với họ, EQ cùng với những kỹ năng IQ thiết yếu khác, sẽ đóng vai trò là chiếc chìa khóa giúp bạn mở cửa thành công trong tương lai. 

Người có IQ cao chưa chắc đã thành công. Nhưng người thành công thì chắc chắn có EQ cao. Khi giải quyết công việc, IQ sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế, nhưng khi tương tác với những người xung quanh, EQ sẽ biến bạn thành một nhà vua và hiển nhiên trong xã hội hiện tại, một cá nhân không thể sống tách biệt với xã hội. Tất cả đều sẽ cần EQ để có thể giao tiếp và ứng xử hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn. Hãy lấy ví dụ về những con người thành công ở ngoài kia, họ có nhiều người hâm mộ, họ rất duyên dáng khi đứng trước đám đông, họ biết khi nào cần phát biểu và phát biểu như thế nào, cuộc sống của họ ngập tràn hạnh phúc, những gì họ nói ra lúc nào cũng như “đi vào lòng người". Tại sao ư? Vì họ có kiến thức và họ nắm bắt được tâm lý người nghe, nói những thứ mà người khác muốn nghe, làm những điều người khác muốn thấy.

Chúng ta chưa thể thành công như họ ngay trong một sớm một chiều, nhưng tôi tin chắc rằng nếu bạn áp dụng được những kiến thức về trí tuệ cảm xúc, những mối quan hệ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp sẽ được cải thiện gần như ngay lập tức. Áp dụng các phương pháp ở phần 2 của bài viết một cách thông minh và khoa học, cùng với việc tìm hiểu những kiến thức về tâm lý học mà tôi đã cố gắng cung cấp cho các bạn, hãy trở thành một người thành công về mọi mặt nhé. 

From Eric with love <3

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here