Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?

0
2058

Thời gian gần đây, công nghệ thông tin luôn nằm trong top những khối ngành đem lại mức thu nhập “khủng” và gần như không xảy ra tình trạng thất nghiệp. Vậy bạn đã biết công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào chưa? Nên học công nghệ thông tin chuyên ngành nào và học ở đâu là tốt nhất? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời chính xác nhất.

Xem thêm:

Công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin là gì?

1.  Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin (Information Technology) hay IT là một ngành khoa học kỹ thuật sử dụng máy tính, thiết bị lưu trữ, mạng lưới internet cùng với các thiết bị vật lý khác để tạo lập, xử lý, lưu trữ, bảo mật và trao đổi thông tin.

Thông thường, công nghệ thông tin sẽ được sử dụng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của tổ chức hoặc doanh nghiệp, trong khi đó công nghệ (technology) lại được sử dụng cho mục đích cá nhân hoặc giải trí. Trong một doanh nghiệp, phòng IT có chức năng:

  • Xây dựng, tổ chức mạng lưới truyền thông;
  • Đảm bảo tính bảo mật của hệ thống thông tin doanh nghiệp;
  • Tạo mới và quản trị cơ sở dữ liệu;
  • Giúp nhân viên trong công ty và khách hàng khắc phục sự cố trên máy tính hoặc thiết bị di động của họ.

Công nghệ thông tin là gì?

2.  Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi xin đưa ra 8 chuyên ngành công nghệ thông tin phổ biến nhất tại Việt Nam và cơ hội việc làm của từng chuyên ngành:

2.1. Khoa học máy tính (Computer Science)

Khoa học Máy tính là ngành kỹ thuật nghiên cứu về máy tính và các hệ thống tính toán. Không giống như các kỹ sư máy tính (computer engineers), công việc của các nhà khoa học máy tính chủ yếu là thiết kế, phát triển và khắc phục sự cố xung quanh hệ thống phần mềm.

Bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống máy tính, bảo mật, hệ thống cơ sở dữ liệu, công nghệ ảo, ngôn ngữ lập trình, kỹ thuật phần mềm và các lý thuyết về máy tính.

Khoa học máy tính (Computer Science)
Khoa học máy tính

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Máy tính có thể làm việc ở nhiều vị trí như:

  • Nhà phát triển phần mềm (Software Developer): Họ là người tạo ra các chương trình phần mềm cho phép người dùng thực hiện các tác vụ cụ thể trên nhiều thiết bị khác nhau, chẳng hạn như máy tính hoặc thiết bị di động. Software Developer sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình phát triển, thử nghiệm và bảo trì phần mềm;
  • Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator): Công việc của họ là phân tích và đánh giá nhu cầu dữ liệu của người dùng. Họ phát triển và cải thiện các nguồn dữ liệu được sử dụng để lưu trữ và truy xuất thông tin quan trọng;
  • Kỹ sư phần cứng máy tính (Computer Hardware Engineer): Họ chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và kiểm tra các phần cứng của máy tính, chẳng hạn như bảng mạch, bộ định tuyến (router) và bộ nhớ;
  • Phân tích hệ thống máy tính (Computer Systems Analyst): Nhiệm vụ của họ là đánh giá hệ thống máy tính của một tổ chức và khuyến nghị các thay đổi đối với phần cứng cũng như phần mềm để nâng cao hiệu quả của công ty;
  • Nhà phát triển web (Web Developer): Họ tạo ra cấu trúc kỹ thuật cho các trang web, đảm bảo rằng người dùng có thể truy cập và dễ dàng tải xuống thông qua nhiều trình duyệt và giao diện khác nhau;
  • Nhà phân tích bảo mật thông tin (Information Security Analyst): Họ tạo ra các hệ thống để bảo vệ mạng thông tin và các trang web khỏi các cuộc tấn công mạng và các vi phạm bảo mật khác. Trách nhiệm của họ cũng bao gồm cả việc nghiên cứu các xu hướng về bảo mật dữ liệu để dự đoán các vấn đề và cài đặt hệ thống để ngăn chặn các vấn đề trước khi chúng xảy ra;
  • Nhà khoa học nghiên cứu về máy tính và thông tin: Các nhà khoa học phát minh ra công nghệ giúp giải quyết các vấn đề phức tạp trong một số lĩnh vực như khoa học, y học và kinh doanh. Họ cũng tìm ra những cách sử dụng mới cho công nghệ hiện có nhằm đạt được những mục tiêu tương tự.

2.2. Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (Data Communication and Computer Network)

Giống như tên gọi của nó, chuyên ngành Data Communication and Computer Network chủ yếu làm việc với hệ thống mạng máy tính để truyền và xử lý dữ liệu.

Mạng máy tính về cơ bản là một tập hợp hoặc một nhóm hệ thống máy tính và các thiết bị phần cứng như máy in, máy quét hoặc bất kỳ thiết bị nào khác có khả năng gửi và nhận dữ liệu được kết nối với nhau thông qua các liên kết giao tiếp.

Chuyên ngành Data Communication and Computer Network chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam nên sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này hiện chưa có nhiều cơ hội việc làm, cụ thể có:

  • Kiến trúc sư mạng máy tính (Computer Network Architect): Họ thiết kế, triển khai và duy trì hệ thống mạng máy tính, bao gồm mạng cục bộ, mạng diện rộng, mạng ngoại vi và mạng nội bộ. Họ cũng đánh giá nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp về chia sẻ dữ liệu và phương thức truyền thông;
  • Nhân viên lắp đặt phần cứng của mạng.
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (Data Communication and Computer Network)
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

2.3. Công nghệ phần mềm (Software Engineering)

Công nghệ phần mềm hay Kỹ nghệ phần mềm là ngành thiết kế, phát triển, thử nghiệm và đánh giá phần mềm và hệ thống cho phép máy tính thực hiện các ứng dụng.

Các kỹ sư phần mềm làm việc với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, chẳng hạn như C ++ và Java. Chúng có thể hoạt động để sửa đổi các ứng dụng phần mềm hiện có hoặc tạo ra các ứng dụng hoàn toàn mới.

Nhiều nhà cung cấp phần mềm, chẳng hạn như Microsoft, Java và Cisco, sẽ cung cấp các chương trình chứng nhận để hỗ trợ các cá nhân làm việc trong ngành công nghệ phần mềm có thể nâng cao trình độ chuyên môn của họ.

Nhiều người nghĩ rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Công nghệ phần mềm sẽ trở thành Kỹ sư phần mềm. Đó là một quan niệm sai lầm, bạn có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như:

  • Kỹ sư phần mềm (Software Engineer): Kỹ sư phần mềm thường được chia thành 2 lĩnh vực là kỹ sư phần mềm ứng dụng máy tính và kỹ sư phần mềm hệ thống máy tính. Các kỹ sư phần mềm ứng dụng máy tính có nhiệm vụ thiết kế và duy trì các ứng dụng máy tính (chẳng hạn như Microsoft Office, Adobe Photoshop,…) để đáp ứng các nhu cầu cụ thể. Trong khi đó, các kỹ sư phần mềm hệ thống máy tính lại có nhiệm vụ xây dựng và duy trì mạng máy tính tổng thể của công ty, đồng thời lập kế hoạch cho sự phát triển kỹ thuật trong tương lai;
  • Quản lý hệ thống thông tin và máy tính (Computer and Information Systems Managers): Xuất phát điểm của họ là kỹ sư phần mềm và được thăng tiến lên cấp quản lý nhờ trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc. Họ thường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch công nghệ cho cả một doanh nghiệp. Người quản lý hệ thống thông tin và máy tính phải giám sát việc lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến máy tính, đảm bảo rằng ngân sách được tuân thủ và đáp ứng thời hạn được giao;
  • Nhà phát triển ứng dụng (App Developer): Phát triển ứng dụng là một nhánh của phát triển phần mềm (Software Developer). Họ chuyên về công nghệ di động như xây dựng ứng dụng cho các nền tảng Android của Google, iOS của Apple và Windows Phone của Microsoft. Công việc của họ bao gồm viết mã, thiết kế, quản lý ứng dụng, khắc phục sự cố, giám sát các bản cập nhật và các mối đe dọa bảo mật có thể xảy ra, đồng thời hỗ trợ người dùng cuối. Họ cũng có thể xử lý một số nhiệm vụ quản lý dự án trong quá trình xây dựng một ứng dụng mới;
  • Nhà thiết kế trò chơi điện tử (Game Developer): Đây cũng là một nhánh của phát triển phần mềm (Software Developer). Họ giúp chuyển đổi trò chơi từ một ý tưởng thành một ứng dụng thực tế có thể chơi được. Họ làm điều này bằng cách mã hóa các yếu tố hình ảnh, tính năng lập trình và thử nghiệm lặp lại cho đến khi một trò chơi sẵn sàng đưa ra thị trường.
Công nghệ phần mềm (Software Engineering)
Công nghệ phần mềm

2.4. Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)

Kỹ thuật máy tính là ngành kỹ thuật tích hợp kỹ thuật điện tử với khoa học máy tính để tạo ra phần cứng (hardware) và phần sụn (firmware) được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như điện tử dân dụng, thiết bị y tế, hệ thống thông tin liên lạc, máy bay, ô tô tự lái,…

Phần cứng máy tính bao gồm:

  • Bộ vi xử lý;
  • Bộ nhớ: bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM), bộ nhớ chỉ đọc (ROM) và bộ nhớ flash có thể ghi lại được;
  • Thiết bị lưu trữ dữ liệu: đĩa cứng, ổ cứng thể rắn và ổ đĩa quang;
  • Thiết bị đầu vào: bàn phím, chuột, cần điều khiển và bộ điều khiển chơi game, máy ảnh, micrô, máy quét, màn hình cảm ứng và cảm biến từ xa;
  • Thiết bị đầu ra: máy in, màn hình, thiết bị âm thanh và điều khiển từ xa;
  • Các thành phần mạng máy tính: bộ điều hợp (adapter), modem, bộ chuyển mạch và bộ định tuyến.

Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật máy tính sẽ được học cách phát triển, tạo mẫu và kiểm tra các thành phần trên để sử dụng trong các thiết bị hoặc hệ thống máy tính, chẳng hạn như siêu máy tính, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy chủ, tiện ích IoT. Họ cũng phát triển phần sụn-một loại phần mềm thiết yếu cho phép hệ điều hành và ứng dụng tận dụng tối đa phần cứng.

Như vậy, chuyên ngành này cung cấp nhân lực làm việc ở một số vị trí như:

  • Lập trình con chip trong hệ thống điều khiển đồ gia dụng, ô tô, thiết bị di động,…
  • Kỹ sư điện tử – mạch điện.
Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)
Kỹ thuật máy tính

2.5. Kỹ thuật mạng (Network Engineering)

Đây là ngành kỹ thuật chuyên về các hoạt động liên quan đến mạng máy tính như an ninh mạng, quản trị mạng, thiết kế mạng và dịch vụ mạng.

Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật mạng sẽ được làm quen với các tác vụ cơ bản bao gồm kết nối đường truyền, cơ sở dữ liệu, hệ thống lưu trữ thông tin,… Sau khi ra trường, họ có thể đảm nhận một trong các vị trí sau:

  • Chuyên viên An ninh mạng: Chịu trách nhiệm triển khai, kiểm tra và duy trì các hệ thống bảo mật như VPN, tường lửa và bảo mật email;
  • Chuyên viên Quản trị mạng: Chịu trách nhiệm giữ cho mạng máy tính của tổ chức, doanh nghiệp luôn được cập nhật và hoạt động bình thường;
  • Người kiểm thử xâm nhập (Penetration Testers): Tìm cách điều tra, phát hiện và hỗ trợ sửa chữa bất kỳ lỗ hổng tiềm ẩn nào trong các hệ thống mạng có dây và không dây cũng như các ứng dụng dựa trên web;
  • Chuyên viên tư vấn, thiết kế hệ thống mạng và an toàn thông tin.
Kỹ thuật mạng (Network Engineering)
Kỹ thuật mạng

2.6. Hệ thống Thông tin Quản lý (Management Information Systems)

Hệ thống thông tin quản lý (MIS) bao gồm phần cứng và phần mềm, đóng vai trò là xương sống cho hoạt động của một tổ chức. MIS sẽ thu thập dữ liệu từ nhiều hệ thống khác, sau đó phân tích thông tin và báo cáo dữ liệu để hỗ trợ việc ra quyết định quản lý.

Ví dụ như hệ thống kiểm soát kho, hệ thống tính lương, hệ thống xử lý đơn đặt hàng,…Các hệ thống này giúp những quản lý đưa ra quyết định tốt nhất bằng cách tạo ra các dự báo thống kê từ dữ liệu được phân tích.

Các công việc dành cho cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống Thông tin Quản lý bao gồm:

  • Lập trình viên cơ sở dữ liệu;
  • Quản trị viên cơ sở dữ liệu;
  • Chuyên viên đào tạo và kiểm tra nghiệp vụ.
Hệ thống Thông tin Quản lý (Management Information Systems)
Hệ thống Thông tin Quản lý (MIS)

2.7. Robot và Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ thông thường đòi hỏi trí thông minh của con người. Ví dụ như ô tô tự lái, phần mềm nhận dạng hình ảnh, Siri, Alexa và các trợ lý thông minh khác,…

Ban đầu, trí tuệ nhân tạo là một nhánh lớn của Khoa học máy tính (Computer Science), nhưng nhờ sự phát triển và tiến bộ vượt bậc theo thời gian, hiện nay AI đã được tách riêng thành một chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nhân lực làm việc trong ngành trí tuệ nhân tạo tối thiểu phải là cử nhân khoa học máy tính. Họ được đào tạo các kỹ năng lập trình và phân tích dữ liệu với khối lượng khổng lồ. Đặc thù của AI là yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nên rất ít trường đại học đào tạo chuyên ngành này, cho dù có đào tạo thì điểm đầu vào vô cùng cao và số lượng sinh viên cũng không nhiều.

Nhìn chung, cơ hội việc làm trong ngành trí tuệ nhân tạo tương đối giống với ngành Khoa học máy tính, chỉ khác một điều là ngành này có thêm vị trí Chuyên viên phát triển tự động hóa.

Robot và Trí tuệ nhân tạo
Robot và Trí tuệ nhân tạo

2.8. Thiết kế Đồ họa/Game/Multimedia (Graphic/Game/Multimedia Design)

Đây là ngành kết hợp giữa công nghệ với mỹ thuật và thương mại để biến ý tưởng của bản thân thành các sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo như game, phim hoạt hình, website và các sản phẩm đa phương tiện khác.

Khi theo học chuyên ngành Thiết kế đồ họa/Game/Multimedia, trước tiên bạn sẽ được đào tạo kiến thức về nghệ thuật cơ bản. Sau đó là kiến thức về phương pháp thiết kế, cách sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa và các xu hướng phát triển đồ họa. Sau khi ra trường, bạn có thể đảm nhận một số công việc thiết kế như thiết kế thương hiệu, thiết kế website, game, phim,…

Thiết kế Đồ họa/Game/Multimedia (Graphic/Game/Multimedia Design)
Graphic Design

3.  Học công nghệ thông tin ở đâu?

Sau quá trình tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học trên khắp cả nước, chúng tôi xin cung cấp danh sách 15 trường đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như sau:

3.1. Khu vực miền Bắc

  • Đại học FPT (cơ sở Hà Nội);
  • Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội;
  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở Hà Nội)i;
  • Đại học Bách khoa Hà Nội;
  • Học viện Kỹ thuật Quân sự;
  • Đại học Công Nghệ (UET) – Đại học Quốc gia Hà Nội;
  • Học viện Kỹ thuật Mật mã;
  • Đại học Giao thông Vận tải;
  • Đại học Hà Nội;
  • Đại học RMIT (cơ sở Hà Nội);
  • Đại học Công nghiệp Hà Nội;

3.2. Khu vực miền Nam

  • Đại học FPT (cơ sở TPHCM);
  • Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM;
  • Đại học Bách khoa TPHCM (2 cơ sở);
  • Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM;
  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Tp. HCM);
  • Đại học RMIT (cơ sở TPHCM);
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm ra đáp án cho câu hỏi “Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?” mà rất nhiều bậc phụ huynh cũng như học sinh vô cùng quan tâm. Về cơ bản, Công nghệ thông tin có 8 chuyên ngành với đầu ra khoảng vài chục công việc khác nhau chắc chắn sẽ đem lại cho bạn thu nhập mơ ước. Chúc các bạn chọn được chuyên ngành phù hợp với bản thân và thành công tìm kiếm việc làm trong tương lai!

Source: Jobtest

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here